Không đầu hàng khó khăn
Những năm 2000, ông Nguyễn Văn Quận (ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm. Với 3 ha vuông tôm của gia đình, thời gian đầu, mô hình đem lại hiệu quả khá cao do nguồn dinh dưỡng và phù sa trong đất dồi dào.
Nhiều nông dân Cà Mau đã đổi đời nhờ mô hình nuôi đa canh trong vuông tôm
Hàng chục ngàn hộ dân ở vùng Nam Cà Mau cũng chuyển sang nuôi tôm như ông Quận. Tuy nhiên, việc canh tác trong thời gian dài đã khiến nguồn dinh dưỡng, phù sa trong đất suy giảm, dẫn đến tôm nuôi thường xuyên mắc một số bệnh và chậm lớn.
Sau đó, tôm chết liên tục khiến không ít hộ nuôi lâm vào cảnh khó khăn. "Hằng ngày, tôi cùng vợ con phải thường xuyên ra vuông tôm vớt những con chết đem bỏ để hạn chế ô nhiễm môi trường nước. Những con còn sống thì mang đi bán cho thương lái kiếm ít tiền trang trải cuộc sống" - ông Quận nhớ lại.
Quyết không đầu hàng khó khăn và với sự cần cù, nhiều hộ dân ở Cà Mau đã mạnh dạn phá vỡ thế độc canh con tôm. Họ nuôi kết hợp tôm với một số loài thủy hải sản có giá trị như: cua biển, cá chẽm, sò huyết, cá nâu… Đến nay, ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình đa canh này còn hạn chế được khả năng lây lan dịch bệnh trên tôm nuôi.
Đánh giá cao hiệu quả mô hình đa canh, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng khi bị bệnh, độ linh hoạt của tôm sẽ giảm. Lúc này, cá chẽm dễ dàng bắt tôm bệnh ăn nên hạn chế được khả năng lây lan dịch bệnh trong khu vực nuôi. Vuông tôm cũng thường có nhiều loài cá tạp nên nuôi cua biển rất hiệu quả do nguồn thức ăn dồi dào.
Những năm gần đây, một số loài đặc sản ở Cà Mau được người tiêu dùng ưa chuộng nên được thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá cao. Vào dịp Tết và các ngày lễ lớn, giá cua gạch thường đạt mức trên dưới 1 triệu đồng/kg, cua y nhất (cua y loại 1) hơn 500.000 đồng/kg, cá nâu trên dưới 150.000 đồng/kg…
Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng khiến giá thủy hải sản giảm mạnh. Dù vậy, giá các loài đặc sản tại Cà Mau vẫn giữ ở mức bảo đảm người nuôi có lợi nhuận.
Từng bước đổi đời
Theo ông Nguyễn Văn Luận (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước), thực hiện mô hình nuôi nhiều loài thủy hải sản trên cùng diện tích, nông dân có nhiều nguồn thu nhập hơn, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào con tôm như trước. "Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được trên 200 triệu đồng từ vuông tôm, nhờ vậy cuộc sống ổn định hơn" - ông Luận cho biết.
Lão nông Nguyễn Văn Đảo ở xã Thạnh Phú cũng áp dụng mô hình nuôi như gia đình ông Luận và từng bước đổi đời. Ông khoe: "Nhờ hiệu quả của cách làm này mà tôi có thể nuôi 2 con học đại học và vừa xây được căn nhà hơn 800 triệu đồng". Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cũng cho biết mô hình đa canh đã giúp gia đình ông từ chỗ khó khăn nay đã khấm khá. "Vợ chồng tôi có điều kiện hỗ trợ các con khi chúng lập gia đình, giờ đứa nào cũng làm ăn ổn định" - ông nói.
Thực tế đã chứng minh mô hình nuôi nhiều loài thủy hải sản kết hợp trong vuông tôm đã giúp đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Những căn nhà dựng bằng cây lá tại nhiều nơi ở Cà Mau đang dần được thay thế bằng nhà xây. Diện mạo nhiều vùng quê ở Cà Mau thay đổi mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, địa phương này hiện có khoảng 26.000 ha nuôi tôm kết hợp nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Mô hình này rất thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi. Đây được xem là tiền đề quan trọng giúp địa phương từng bước về đích trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ông Nam cho biết Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước tiếp tục chú trọng phát huy lợi thế của địa phương gắn với phát triển sản xuất, nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả. Trong đó, tiếp tục phát triển những mô hình nuôi đa dạng như: Tôm quảng canh cải tiến, lúa - tôm, cá chình, cá bống tượng, tôm càng xanh, trồng rau màu, nuôi sò huyết… để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá mô hình đa canh không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn mang ý nghĩa bền vững, giúp người dân tích lũy thêm vốn để phục vụ sản xuất và góp phần xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương xuyên suốt của tỉnh trong thời gian qua.
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho rằng ngoài ý nghĩa bền vững về mặt cộng sinh và môi trường, việc nuôi kết hợp nhiều loài thủy hải sản còn có thể ngăn ngừa rủi ro. Cụ thể, khi điều kiện thời tiết hay giá cả thị trường không thuận lợi với con này thì người nuôi còn có con khác.
Năng suất chưa cao
Theo ông Lê Văn Sử, thủy hải sản được nuôi theo mô hình đa canh cần nhắm đến những loài có giá trị kinh tế cao và phải phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.
"Đến nay, nuôi đa canh trong vuông tôm của người dân chỉ ở mức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến nên năng suất chưa cao. Ngành chức năng và cơ quan chuyên môn cần căn cứ thực tiễn để đưa ra quy hoạch và hướng dẫn kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả cho người nuôi" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý.
Theo VÂN DU (Người lao động)