Nhiều thiết bị, nhân sự đã được huy động tại hiện trường chờ mặt bằng để thi công.
Hiện công tác thiết kế kỹ thuật đã hoàn thành đấu thầu, ký hợp đồng 4/6 gói thầu, dự kiến 2 gói thầu còn lại (phần cầu dây văng và cầu dẫn) triển khai lựa chọn nhà thầu và khởi công trong quý IV-2022. Công tác rà phá bom mìn trên toàn bộ phạm vi thi công đã hoàn thành. Văn phòng gói tư vấn giám sát TV-09, TV-11 đã lập xong và đang phối hợp với nhà thầu xây lắp trong công tác lập thiết kế bản vẽ thi công, kiểm tra vật liệu đầu vào.
Triển khai thi công các gói thầu XL-01, XL-04, XL-05 và XL-06, nhà thầu đã thành lập ban điều hành công trường, hoàn thành công tác chuẩn bị, huy động thiết bị đến hiện trường để có thể triển khai thi công ngay khi được bàn giao mặt bằng.
Liên quan đến công tác bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý DA Mỹ Thuận cho hay, phía tỉnh Bến Tre đã bàn giao mặt bằng 2,2/9,34km (đạt 23%). Phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) đã bàn giao còn nhiều vị trí vướng mắc cục bộ như: công trình công cộng (điện, nước, viễn thông…), hộ dân chưa di dời nhà, cây trồng nên chưa thể thi công.
Phía tỉnh Tiền Giang đã bàn giao được 0,19/6,84km (khoảng 2,7%), phạm vi GPMB được bàn giao chủ yếu tại các vị trí đất công và kênh rạch, mặt bằng nằm rải rác không liên tục. Do đó, chưa đủ điều kiện để nhà thầu triển khai thi công. Việc GPMB chậm tại các địa phương, đồng thời thời tiết đang vào mùa mưa gây bất lợi trong việc triển khai các hạng mục thi công công trình, ảnh hưởng rất lớn tiến độ thi công của DA.
Báo cáo gần đây nhất của Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông, tính đến ngày 28-7-2022, phía tỉnh, có 138/543 hộ đã bàn giao mặt bằng, với diện tích 91.061,8/365,582m2. Trong kỳ báo cáo huyện Châu Thành và TP. Bến Tre đã vận động bàn giao mặt bằng thêm được 11.824,9m2; vận động 1 hộ ở huyện Châu Thành nhận tiền bồi thường.
Đối với tình hình tiến độ bàn giao mặt bằng chậm, Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng đã có báo cáo và kiến nghị. Một số nguyên nhân được chỉ ra: Do các hộ dân có nhà đã nhận tiền và GPMB chỉ đối với đất nông nghiệp. Riêng đối với đất có nhà ở, thì người dân chưa thể tháo dỡ, di dời với các nguyên nhân đưa ra như sau: không được chính quyền địa phương cấp phép xây dựng nhà và giải quyết các nội dung liên quan về chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư đối với phần đất nông nghiệp còn lại sau giải tỏa hoặc thửa đất nông nghiệp khác tại các xã lận cận (do vướng quy hoạch, lộ giới; không có kế hoạch hàng năm...). Các trường hợp giải tỏa nhà ở có đất thổ cư, người dân xin giữ lại đất thổ cư trên phần đất còn lại không được chấp nhận. Hoặc chờ được bố trí khu tái định cư để xây dựng nhà ở mới. Vấn đề yêu cầu thực hiện tạm cư đa số hộ dân không chấp nhận.
Trước đó, tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm với lãnh đạo 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang, Thứ trưởng đánh giá, việc chậm trễ GPMB DA cầu Rạch Miễu 2 làm ảnh hưởng đến việc triển khai 4 giói thầu đã có nhà thầu nhưng chưa có mặt bằng để thi công. Đồng thời, đề nghị các địa phương Bến Tre và Tiền Giang cần tập trung quyết liệt hơn nữa cho công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật để kịp tiến độ thi công DA cầu Rạch Miễu 2; trong đó, chú trọng việc hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi DA.
DA đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Bến Tre và Tiền Giang có tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng. DA GPMB hơn 62ha (trong đó Tiền Giang 26,56ha, Bến Tre gần 36ha). DA đã khởi công vào ngày 29-3-2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Theo THẠCH THẢO (Báo Đồng Khởi)