Trưng bày các sản phẩm đặc trưng của huyện Mỏ Cày Nam.
Nhu cầu xây dựng cơ bản
Mỏ Cày Nam có lịch sử khai phá lâu đời. Giao thông thủy thuận lợi, tạo điều kiện cho thương mại, dịch vụ ở huyện phát triển như chợ dừa trên sông Thom, chợ đầu mối lúa gạo (Chợ Thom). Ngày nay, hệ thống giao thông bộ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển như mở rộng quốc lộ (QL) 57 và QL.60, đưa vị trí huyện Mỏ Cày Nam ngày càng trở nên “đắt địa” hơn trong liên kết các vùng nội bộ tỉnh và khu vực tiểu vùng duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (gồm các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh).
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện xác định xây dựng nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, trường học. Cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy đề nghị lãnh đạo tỉnh cho chủ trương thực hiện các công trình như: triển khai khảo sát xây dựng tuyến giao thông dọc sông Hàm Luông, chiều dài 14km, đi qua 5 xã, gồm: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, Tân Trung và Minh Đức. Tuyến đường này hình thành sẽ nối với hệ thống cống Vàm Nước Trong, cống Cái Quao, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch ven sông Hàm Luông. Đồng thời, kết nối giao thông giữa huyện Mỏ Cày Nam và huyện Giồng Trôm. Kế đến, huyện xin chủ trương mở rộng tuyến QL.57 qua địa bàn xã Tân Trung, qua sông Hàm Luông, hướng đến xã Hưng Phong và xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, chiều dài khoảng 7,2km. Khi tuyến đường này được mở rộng sẽ tạo điều kiện trong vận chuyển hàng hóa từ sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên và khu vực cánh Nam huyện Mỏ Cày Nam.
Huyện xin chủ trương mở rộng, nâng cấp đường huyện 22, chiều dài 25km, đi qua 9 xã trên địa bàn huyện. Tuyến này có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại nhiều, kết nối với đường huyện 46, tuyến sông Hàm Luông, QL.60, Cụm công nghiệp Thành Thới B, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện. Đầu tư xây dựng mới Trường THPT Che Guevara (phục vụ mục đích đạt chuẩn NTM trong thời gian tới). Huyện cũng đề nghị tỉnh sớm phê duyệt chủ trương mở rộng lộ Làng nghề từ thị trấn Mỏ Cày đi qua xã Đa Phước Hội và An Thạnh, dài 2,2km, phục vụ cho phát triển làng nghề chỉ xơ dừa, thương mại dịch vụ, chợ đầu mối lúa gạo trên sông Thom. Cho chủ trương sử dụng sân vận động huyện từ đất ở sang đất thương mại dịch vụ, diện tích 2,44ha, phục vụ xây dựng trung tâm thương mại, nhà phố, nhằm phục vụ tiêu chí đô thị loại III vào năm 2030.
Góp ý của tỉnh
Tại buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi với Ban Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày Nam về tình hình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào trung tuần tháng 9-2020, các đại biểu tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp cho huyện.
Đến tháng 9-2020, huyện có 4/15 xã NTM, 2 xã Phước Hiệp và Minh Đức đã được tỉnh phân bổ vốn đầu tư. 7 xã đăng ký xây dựng NTM năm 2020, trong đó 5 xã được phê duyệt, còn 2 xã tỉnh đã khảo sát. Đây là điều kiện tốt cho các xã phát triển trong thời gian tới. Một số công trình huyện đề xuất đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và cho rằng đây là những đề xuất phù hợp. Được biết, đến ngày 21-10-2020, huyện đã giải ngân 55,7% vốn đầu tư công.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội bày tỏ sự đồng tình với huyện về phương hướng xây dựng huyện NTM trong 5 năm tới. Đồng thời, ông cho rằng chuỗi giá trị dừa tại huyện Mỏ Cày Nam là 1 trong 8 chuỗi giá trị được xem thành công trong kết nối. Trái dừa khi tham gia chuỗi có giá cao hơn so với thị trường. Hiện huyện có khoảng 1.700ha dừa tham gia chuỗi giá trị dừa. Đặc biệt, huyện cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp như: sản xuất sạch, hữu cơ, xây dựng nhà xưởng các sản phẩm theo hướng chuỗi giá trị bền vững.
Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bùi Văn Hản Em yêu cầu, huyện có kế hoạch cụ thể và sự kiên trì trong thực hiện vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, huyện có đàn gia súc với số lượng lớn nên quan tâm việc trữ ngọt để không bị “thất thủ” khi mùa mặn đến. Gắn với sản phẩm OCOP, huyện có lợi thế phát triển dịch vụ ven QL.60, đây là cửa ngõ để quảng bá sản phẩm và phát triển dịch vụ.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức đề nghị, huyện quan tâm đến tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi hiện nay việc thực thi nghị quyết rất cần những cán bộ chuyên nghiệp, thể hiện tính gương mẫu của đảng viên. Phát triển du lịch nên sử dụng những thế mạnh sẵn có như Di tích Đồng Khởi.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đề nghị: Những nhiệm vụ huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là rất lớn, cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần tiến công của cán bộ, đảng viên và nhân dân Mỏ Cày Nam trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của huyện, xã, ấp.
“Huyện phát động “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020 - 2025 gắn với thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Huyện có kế hoạch chi tiết xây dựng huyện Mỏ Cày Nam đạt huyện NTM vào năm 2024, theo đó, xác định lộ trình, nguồn lực, phân công cụ thể và đi liền là công tác giám sát. Quyết tâm xây dựng xã Bình Khánh đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2021. Huyện phải có quy hoạch phát triển đô thị của huyện; trong đó, đô thị trung tâm hướng tới đô thị loại III vào năm 2030 mang bản sắc đô thị dừa và một hệ thống các đô thị loại V, loại IV phân bố rải rác trên địa bàn huyện, cùng với hệ thống đô thị dọc theo QL.60”.
(Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi)
|
Theo THẠCH THẢO (Báo Đồng Khởi)