Cây đậu phộng giống LDH.09 cho năng suất khá cao
Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như các cây họ đậu khác, đậu phộng là cây có khả năng cố định nitơ sinh học rất quan trọng cho cây trồng thông qua hoạt động sống của vi sinh vật. Bên cạnh đó, một khối lượng sinh học lớn của thân lá đậu phộng bị phân hủy sau khi thu hoạch đã để lại một lượng mùn đáng kể, đậu phộng được xem là cây che phủ đất rất tốt, nếu gieo trồng ở mật độ thích hợp, quản lý cỏ dại tốt ở thời gian đầu, cây đậu phộng hoàn toàn có khả năng khống chế được cỏ dại trong suốt thời kỳ sinh trưởng, do vậy sẽ giảm đáng kể số công lao động để chuẩn bị đất gieo trồng vụ sau.
Vì vậy, trồng đậu phộng có tác dụng cải tạo đất, bồi dưỡng độ phì nhiêu cho đất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc luân - xen canh, thâm canh tăng năng suất cây trồng, nhất là đối với những vùng đất xám, đất bạc màu nghèo dinh dưỡng. Đậu phộng (Arachis hypogaea L.) là cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm và cũng là cây có giá trị kinh tế cao. Theo đó, mô hình trồng cây đậu phộng trên nền đất lúa thử nghiệm giống đậu phộng LDH.09 thực hiện trên ruộng của nông dân Liêu Sa Rây (ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) với diện tích 2.000m2; cùng với 1 giống đối chứng của địa phương. Thời gian thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9-2019, mật độ sạ theo mô hình 150kg/ha.
Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, giống đậu phộng LDH.09 có nguồn gốc từ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ phối hợp chọn lọc từ tổ hợp lai ICG20 x 9205-H1 theo phương pháp lai đơn và chọn lọc dòng theo phương pháp phả hệ. Đặc điểm, thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, kiểu hình thân đứng, gọn cây, khối lượng 100 hạt đạt từ 66,4-68,5gr, tỷ lệ hạt/quả từ 64,3-68,5%. Năng suất thực thu từ 24,0-40,5 tạ/ha, trong đó năng suất trên chân đất phù sa đạt 28,6-40,0 tạ/ha, năng suất trên đất nhiễm mặn ít và trung bình đạt 24,0-26,6 tạ/ha, năng suất trên đất đỏ bazan đạt 39,4-40,5 tạ/ha. Giống LDH 09 nhiễm nhẹ với các bệnh đốm đen, đốm nâu và gỉ sắt, nhiễm nhẹ với bệnh héo xanh và bệnh thối đen cổ rễ. Thời vụ và địa bàn gieo trồng: có khả năng thích nghi ở nhiều vùng sinh thái, với các loại đất phù sa, đất bazan, đất nhiễm mặn, do đó có thể trồng được 2 vụ đông xuân và hè thu ở hầu hết các tỉnh phía Nam.
Theo nông dân Liêu Sa Rây, quy trình kỹ thuật trồng đậu phộng gồm các bước: chọn giống, chuẩn bị đất, mật độ và kỹ thuật gieo tỉa, bón phân cân đối, chăm sóc và tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và luân canh. Thời điểm thu hoạch: cây phát triển được 90-95 ngày sau khi gieo, trái già đạt 75-80% tổng số trái trên cây, lúc đó lá gốc và lá giữa chuyển sang màu vàng và rụng, vỏ trái mỏng, sậm màu, gân nổi rõ thì trái đạt chuẩn thu hoạch, nếu để lâu trái quá già sẽ nẩy mầm trên cây trước khi thu hoạch. Dùng lu, lọ, keo… rửa sạch, phơi nắng cho thật khô, cho trấu vào khoảng 20cm, cho hạt vào đến gần đầy, rồi đổ trấu phủ lên cho đầy, bịt kín miệng rồi đậy nắp lại, đặt nơi cao và thoáng mát, cách này có thể bảo quản 7-8 tháng và tỷ lệ nẩy mầm đạt khoảng 90%. Lưu ý, thời kỳ ra hoa, thời kỳ thư đài đâm vào đất và thời kỳ tạo trái non là các thời kỳ cần cung cấp đầy đủ nước cho cây.
Chiều cao cây phụ thuộc vào kiểu gen giống, thời vụ trồng, đất đai và sự chăm sóc của người trồng. Chiều cao cây của giống LDH.09 là 49,8 cm, còn giống đối chứng 67,9cm. Giống đối chứng có chiều cao cây cao nên cây dễ đổ ngã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Qua kết quả khảo nghiệm giống đậu phộng LDH.09 và giống đối chứng, bước đầu cho thấy, giống mới LDH.09 chống chịu được một số bệnh như: bệnh thối đốm lá, bệnh héo xanh vi khuẩn… và thích nghi với điều kiện đất đai khí hậu của địa phương. Giống LDH.09 đạt năng suất 8,52 tấn/ha (đậu tươi), cao hơn giống đối chứng 3,1 tấn/ha.
Hội thảo tổng kết mô hình trồng cây đậu phộng trên nền đất lúa của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá giống đậu phộng LDH.09 có năng suất cao, chất lượng thơm ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhất là đất lúa kém hiệu quả, giúp cải thiện, nâng cao thu nhập nông dân.
PHƯƠNG LAN