Mô hình trồng nấm rơm bằng bông vải trong nhà kín ở An Giang

04/06/2019 - 08:39

 - Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, anh Nguyễn Nhựt Trường (ấp Hòa Tân, xã Hòa Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang) đã phát triển mô hình trồng nấm rơm bằng nguyên liệu bông vải trong nhà kín. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình anh Nhựt nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Nhiều ưu điểm

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín được gia đình anh Nguyễn Nhựt Trường triển khai từ đầu năm 2018 với số lượng 2 nhà, diện tích trồng khoảng 24m2. Anh Trường cho biết, phần diện tích này trước đây gia đình anh dùng để phơi gạch. Sau này ngưng sản xuất, gia đình tận dụng để trồng nấm rơm. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nên việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Nhưng nhờ tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, đồng thời tham quan, học tập mô hình từ các địa phương khác đã giúp việc canh tác của anh Nhựt được thuận lợi, hiệu quả kinh tế từ đó được nâng cao.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín của gia đình anh Trường có nhiều điểm khác biệt so với phương pháp sản xuất truyền thống. Nấm được trồng trong nhà, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài nên giảm những tác động từ thời tiết, dịch bệnh… Bên cạnh đó, người trồng có thể quản lý nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây. Nấm rơm được trồng trên những chiếc kệ xếp chồng lên nhau nên tận dụng được tối đa diện tích trong nhà. Điều này giúp việc chăm sóc, thu hoạch dễ dàng và thuận lợi hơn. Đặc biệt, nấm được trồng bằng nguyên liệu bông vải, chứ không sử dụng rơm. Trồng bằng nguyên liệu này có nhiều ưu điểm, dễ làm, cho năng suất cao. Giá và nguồn bông vải nguyên liệu tương đối ổn định, việc mua và vận chuyển bông vải dễ dàng, không phụ thuộc vào mùa vụ như khi sử dụng rơm truyền thống.

Theo đánh giá của anh Trường, trồng nấm rơm bằng bông vải trong nhà kín không đòi hỏi diện tích đất lớn nên dễ dàng triển khai. Trồng nấm rơm bằng phương pháp này năng suất vượt trội, công chăm sóc nhẹ hơn, dễ quản lý dịch bệnh hơn so với trồng nấm rơm truyền thống. Ngoài ra, còn có thể nâng cao số vụ sản xuất do thời gian cách ly ngắn. “Trồng nấm rơm ngoài trời, mỗi năm chỉ sản xuất được 2-3 vụ, do phải có thời gian cách ly khá dài, để tránh lây lan các mầm bệnh giữa các vụ; trong mùa mưa bão nấm dễ bị hư hỏng, năng suất thấp dẫn đến thua lỗ. Ngược lại, trồng nấm rơm trong nhà có nhiều tiện lợi, ưu điểm hơn như: thời gian cách ly ngắn (khoảng 1 tháng) và có thể trồng được quanh năm nên lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, trồng nấm rơm trong nhà còn chủ động được thời điểm sản xuất, bán giá cao hơn so với bình thường”.

Mô hình trồng nấm rơm bằng bông vải trong nhà kín

Mô hình trồng nấm rơm của gia đình anh Nguyễn Nhựt Trường được đánh giá cao

Nhân rộng mô hình

Thấy việc trồng nấm rơm bằng nguyên liệu bông vải trong nhà kín mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2019, anh Trường tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất thêm 2 nhà (chi phí đầu tư xây dựng khoảng 15 triệu đồng/nhà), nâng số nhà kín sản xuất nấm rơm lên 4 nhà, với tổng diện tích gần 80m2. Trong nhà, nấm được xếp thành 2 hàng, mỗi hàng 4 kệ, với tổng diện tích trồng gần 157m2. Anh Trường cho biết, nấm rơm từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 15 ngày. Trước đó, bông vải phải được ủ khoảng 3-4 ngày mới có thể trồng. Mỗi vụ nấm thu hoạch 2 đợt, bình quân mỗi nhà nấm thu hoạch từ 80-100kg, với giá bán dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi vụ gia đình anh thu lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng. “Sau 2 năm triển khai, tôi nhận thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng” - anh Trường cho hay. Thời gian tới, nếu có đủ kinh phí, anh Trường sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để phát triển mô hình trồng nấm rơm này. Đồng thời, sẽ dành thời gian để nghiên cứu, thí nghiệm cũng như tìm kiếm phương pháp trồng mới để góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với lòng nhiệt tình và sự đam mê, anh Trường sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm rơm cho tất cả nông dân, góp phần đưa nghề trồng nấm trên bông vải phát triển rộng rãi hơn. Nhận xét về mô hình trồng nấm rơm này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình Thạnh Lê Quốc Phong cho biết: “Mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín của gia đình anh Nguyễn Nhựt Trường là mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại rất khả quan. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính hiệu quả của mô hình, đồng thời vận động và hỗ trợ bà con nông dân nhân rộng mô hình, nhất là đối với các hộ có ít đất canh tác, qua đó giúp bà con tăng thu nhập, vươn lên trong cuộc sống”.

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN