Mô hình trồng nấm rơm "chuyên nghiệp"

18/09/2020 - 10:26

Hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ có điều kiện nâng cao thu nhập nhờ trồng nấm rơm và góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Nhiều hộ dân tận dụng các khoảng đất trống quanh nhà hoặc thuê mướn thêm đất rồi mua rơm từ nhiều nơi về để sản xuất nấm rơm quanh năm.

Ông Đặng Văn Đậu thu hoạch nấm rơm được sản xuất trên diện tích đất được thuê mướn ở phường Long Hưng, quận Ô Môn.

Đầu ra thuận lợi

Đầu năm 2020 đến nay, giá nấm rơm hầu như luôn duy trì ở mức khá cao, tạo thuận lợi cho người người trồng nấm rơm tiêu thụ sản phẩm với mức giá đảm bảo có lời. 

Giá nấm rơm loại 1 (nấm tròn, trắng đẹp) được nông dân bán buôn cho thương lái ở mức từ 45.000-60.000 đồng/kg, riêng những ngày Rằm và dịp lễ, Tết, giá bán buôn nấm rơm có thể tăng lên 70.000-80.000 đồng/kg, còn giá bán lẻ trên thị trường lên đến 100.000 đồng/kg.

Nấm rơm loại 2 (nấm dù) có giá bán buôn tại các quận, huyện của TP Cần Thơ phổ biến từ 30.000-40.000 đồng/kg, giá bán lẻ từ 50.000-60.000 đồng/kg.

Bà Lê Thị Nga, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: "Với giá nấm rơm khá cao như thời gian qua, nếu sử dụng khoảng 1.000 cuộn rơm để trồng nấm rơm trên diện tích khoảng 1.000m2, người trồng nấm rơm có thể kiếm lời 30-40 triệu đồng/vụ nấm, thời gian chỉ kéo dài khoảng 1 tháng.

Tuy nhiên, trồng nấm rơm đòi hỏi phải nắm kỹ thuật, vốn đầu tư cũng tương đối lớn và tốn nhiều nhân công lao động do hầu hết các công đoạn sản xuất và thu hoạch nấm rơm đều làm bằng tay. Riêng việc thu gom rơm trên đồng ruộng để phục vụ sản xuất nấm rơm khá thuận lợi nhờ có các máy thu hoạch rơm đa năng, rơm bó lại thành từng cuộn chở đến tận nơi trồng nấm".

Thời gian qua, giá nấm rơm ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ nhiều, trong khi nguồn cung nấm rơm còn hạn chế, nhiều thời điểm không đủ để bán.

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh nấm rơm, người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trong nước ngày càng ưa chuộng sử dụng nấm rơm do chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng và an toàn cho sức khỏe.

Nấm rơm sản xuất tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL không chỉ phục vụ cầu tại chỗ mà còn được đem tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các thành phố lớn.

Sản xuất quanh năm

Trước đây, ông Đặng Văn Đậu, ngụ khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt chỉ chất nấm rơm thời vụ sau các vụ lúa để kiếm thêm thu nhập. Thấy trồng nấm rơm cho hiệu quả cao nên ông đã mạnh dạn mua thêm rơm, thuê thêm đất để sản xuất nấm rơm quanh năm.

Hiện mỗi tháng ông sử dụng khoảng 2.000-3.000 cuộn rơm để chất nấm trên diện tích khoảng 2-3 công đất, thường xuyên thuê mướn khoảng 20 lao động tham gia các các công đoạn chất nấm, thu hoạch và phân loại nấm.

Ông Đậu cho biết: "Hiện nay, có nhiều người tham gia làm dịch vụ cung ứng rơm cho người chất nấm, chỉ cần gọi điện là họ chở đến tận nơi.

Việc thuê đất trồng nấm cũng thuận lợi, giá tương đối rẻ, vì người cho thuê tận dụng khoảnh vườn, sân trống để kiếm thêm thu nhập hoặc đơn giản là cho thuê để khỏi phải tốn công phát quang cây cỏ, để lấy phần rơm rạ sau chất nấm làm phân bón trồng trọt".

Thời gian sản xuất mỗi vụ nấm rơm chỉ bằng 1/3 so với mỗi vụ lúa nhưng có thể giúp mang lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần trên cùng diện tích. Đặc biệt, chất nấm rơm xen kẽ trên nền đất canh tác lúa cũng là một trong những "bí quyết" quan trọng giúp trồng nấm rơm đạt năng suất cao.

Do vậy, những năm gần đây, nhiều hộ dân trồng lúa trên địa bàn TP Cần Thơ cũng mạnh dạn chuyển đổi bớt một số vụ lúa trong năm sang sản xuất nấm rơm trên nền đất ruộng để nâng cao sản lượng trên cùng diện tích canh tác.

Ông  Đoàn Văn Suôl, khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, cho biết: "Những năm qua, có nhiều hộ dân tại địa phương đã áp dụng mô hình chất nấm rơm trên nền đất ruộng rất thành công, nhất là những thời điểm đồng ruộng khô ráo và ít mưa.

Hiện nay, sau các vụ thu hoạch lúa tại phường Thới An Đông, rơm được thu gom lại hết để làm nấm hoặc bán lại cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng.

Có nhiều hộ dân đã tham gia sản xuất nấm rơm quanh năm tại địa phương và tại nhiều quận, huyện khác của TP Cần Thơ. Nhiều người lao động nhàn rỗi tại địa phương cũng được tạo việc làm nhờ tham gia các công đoạn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nấm".

Theo UBND phường Thới An Đông, trên địa bàn phường đã thành lập được tổ liên kết sản xuất nấm rơm, với 33 hộ dân tham gia, đây chủ yếu là những hộ dân sản xuất nấm rơm quanh năm.

Toàn phường thường xuyên có khoảng 70-80 hộ dân tham gia sản xuất nấm rơm và nghề này đang giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Hiện nấm rơm được sản xuất tại hầu khắp các quận, huyện có sản xuất lúa trên địa bàn TP Cần Thơ, trong đó tập trung nhiều tại Bình Thủy, Thốt Nốt, Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, diện tích trồng nấm rơm tại thành phố đạt hơn 439ha, trong đó có 363ha đã thu hoạch.l

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)