Tác phẩm “Điệu huê tình trên sông nước” của nhạc sĩ Sơn Hà (Hậu Giang) đạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc khu vực ĐBSCL năm 2017.
Dần trưởng thành, nâng chất lượng
Cách đây 5 năm, Phân hội Âm nhạc Hậu Giang có hơn 30 nhạc sĩ, trong đó chỉ có 5 nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đến nay, số lượng hội viên là 25, nhưng trong đó có 9 nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc, Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ: “Việc giảm số lượng hội viên phân hội là do chúng tôi rà soát, nâng chất và sẵn sàng bỏ tên những hội viên không mặn mà, không tham gia sinh hoạt với phân hội, ít nhưng chất lượng. Từ việc chăm bồi và tạo điều kiện cho anh em nâng cao tay nghề, tham gia nhiều hội thi, đạt khá nhiều giải thưởng, nên dù hội viên ít, nhưng số lượng đủ điều kiện kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại nhiều hơn trước”. Đây cũng là một cách hay để nâng tầm nghệ thuật của Phân hội Âm nhạc. Mỗi nhạc sĩ là lực lượng nòng cốt trong phong trào sáng tác của địa phương, tìm kiếm, chăm bồi và phát hiện những nhân tố mới, để bổ sung vào lực lượng nhạc sĩ của tỉnh.
Với mục tiêu phản ánh chân thực cuộc sống của quê hương bằng tác phẩm âm nhạc, 5 năm qua, các nhạc sĩ Hậu Giang đã tự nỗ lực, tự trang bị những kiến thức chuyên môn, tích cực tham gia đi thực tế sáng tác. Qua đó, sáng tác trên 42 ca khúc và hòa âm, phối khí trên 65 ca khúc, vừa phục vụ nhiệm vụ tại địa phương, vừa tham gia các cuộc thi âm nhạc trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Các tác giả đã đạt 6 giải nhất, 4 giải nhì, 5 giải ba và 6 giải khuyến khích. Đây là sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của mỗi cá nhân nhạc sĩ, vừa khẳng định mình, vừa chung tay xây dựng đội ngũ ngày càng lớn mạnh, nhất là chất lượng được khẳng định qua từng năm, từng sản phẩm âm nhạc phục vụ nhiệm vụ tại địa phương và đang ngày càng bay xa…
Phát huy sức trẻ
Trong 25 hội viên Phân hội Âm nhạc, có hơn nửa là lực lượng trẻ, đây là lợi thế để xây dựng lực lượng kế thừa. Nhận xét về lực lượng sáng tác, hòa âm phối khí và biểu diễn, nhạc sĩ Phạm Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, nhấn mạnh: “Lực lượng đang ngày một lớn mạnh và khẳng định năng lực là một tín hiệu mừng. Tôi mong rằng tự thân mỗi người tiếp tục nỗ lực rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đoàn kết, gắn bó, cùng nhau tìm kiếm, chăm bồi những nhân tố mới, để có được lớp kế thừa ngày càng hùng hậu”.
Việc tổ chức các câu lạc bộ âm nhạc để có những buổi sinh hoạt định kỳ, vừa giới thiệu tác phẩm mới, vừa giao lưu với khán giả, nhất là lực lượng học sinh, sinh viên, là một trong những mục tiêu Phân hội Âm nhạc vạch định cho những năm tiếp theo. Dù có nhiều thuận lợi, đội ngũ ngày càng khẳng định khả năng sáng tác, nhưng tác phẩm đến với công chúng và được đón nhận chưa nhiều. Một thực tế là qua các hội thi, hội diễn vẫn rất cần tác phẩm mới, nhất là các tác phẩm về Hậu Giang để dàn dựng, biểu diễn. Còn hiện tại, đa phần sử dụng các tác phẩm cũ, dù tác phẩm hay của các nhạc sĩ địa phương không phải ít, vẫn chưa được khai thác thật hiệu quả.
Nhiều nhạc sĩ cho rằng đây là việc cần làm ngay và các hội viên đang công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh cần có sự chủ động khai thác tác phẩm của các nhạc sĩ trong các chương trình nghệ thuật hay đặt hàng để các nhạc sĩ viết. Trong các hội thi, hội diễn nên có một ca khúc bắt buộc về Hậu Giang. Phối hợp với cơ quan truyền thông trong và ngoài địa phương để giới thiệu tác giả, tác phẩm… Nếu làm được, cùng với sự nỗ lực của tự thân mỗi nhạc sĩ, con đường để tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. “Song song đó, Hội Văn học Nghệ thuật sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho hội viên đi thực tế sáng tác, tham dự nhiều cuộc thi âm nhạc, tạo điều kiện về thủ tục để kết nạp hội viên mới có tâm huyết với âm nhạc”, ông Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhấn mạnh.
Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)