Một lần nghe Thanh Tuấn hát

04/08/2019 - 09:18

Nhớ lại một buổi tối cuối tháng 9/2017, tại quán sinh thái Nhà Xưa ở xã Long Phước (Long Hồ), tôi và các anh ở Huyện ủy, UBND huyện có dịp ngồi cùng với Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tuấn và được thưởng thức những bài ca đã đưa tên tuổi nghệ sĩ đến với công chúng, nhất là trong lòng người dân vùng đất cải lương Nam Bộ.

Tác giả và nghệ sĩ Thanh Tuấn (chụp ngày 28-9-2017).

Hôm ấy sau lời giới thiệu, nghệ sĩ Thanh Tuấn bước lên cầm lấy mi rô và tiếng đờn réo rắt ngân lên. Tuy tuổi 70- tuổi mà bà con ta thường gọi là “thất thập cổ lai hy”- nhưng giọng ca của người con Quảng Ngãi vẫn còn ngọt ngào dù không còn thanh trong như trước và khi nghe Thanh Tuấn hát, chúng ta không thể nhầm lẫn với các giọng ca khác.

…Nhưng có ngờ đâu giờ đây giữa chúng ta lại có bức tường thành nào ngăn trở đau xót nhìn nhau mà xa cách muôn trùng…Lan ơi xin em đừng nghĩ anh là kẻ bạc nghĩa vô tình…(vai đại úy Huy Bình trong vở cải lương “Tìm lại cuộc đời”).

“… Ơi biển Nha Trang, con sóng mênh mang làm vương vấn lòng người. Ai đến nơi đây khi xa rồi nhớ mãi. Nhớ hình bóng diễm kiều muôn thuở chẳng mờ phai…(bài “Nhớ biển Nha Trang”).

Đáp lại, Bí thư Huyện ủy Long Hồ Hồ Văn Minh và ông Võ Trung Sơn- Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện cũng cất tiếng hát giao lưu với những bài hát về quê hương với chất giọng khá mượt mà.

Tiếng đờn vọng cổ, tiếng hát ngân nga trầm bổng lọt qua tán lá trong khu vườn rộng. Bên ly rượu đế Cái Sơn, chúng tôi càng thêm ấm lòng trong một buổi tối giao lưu văn nghệ khi ngoài trời có chút lất phất mưa bay. Gặp Thanh Tuấn mà không nghe bài “Hoa tím bằng lăng” thì thật tiếc.

Bài này ông song ca với một giọng nữ đến từ Đoàn Văn công Quân khu 9. Bài hát có đoạn: “… Đêm hành quân nhìn trăng sáng long lanh nhớ con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu…” 

Khi ông hát xong quay lại bàn, tôi liền nhắc đến bài vọng cổ “Đò chiều Tắc Cậu”, ông chỉ cười và hát riêng nho nhỏ một đoạn Phụng hoàng: “…

Dù rừng có hết cây em vẫn trọn lòng chung thủy, cùng bên anh đấu tranh bền bỉ. Mình hẹn một ngày về thăm con rạch Cái Thia. Để giới thiệu cùng má với ba rằng con đã chọn được người chồng. Rồi đãi anh ăn bữa mắm đồng bông súng, với khế ngọt sau nhà để nhớ em luôn…”

Trước lúc ra về, tôi được nghe Thanh Tuấn tâm sự: Khi có dịp trở lại miền Tây, ông rất mừng vì tuồng cải lương và bài vọng cổ vẫn còn rất nhiều người hâm mộ, trong đó có lớp trẻ.

Nếu như ở chốn đô thành thì người ta có thể đến Nhà Văn hóa Thanh niên hoặc Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh để xem chương trình “Vầng trăng cổ nhạc” theo lịch diễn hàng tháng, còn nếu nhớ quá muốn nghe liền thì ghé vào các khu ẩm thực có phục vụ đờn ca tài tử.

Riêng ở vùng quê, khi có chuyện vui hoặc đám tiệc thì các dàn âm thanh nhỏ gọn được gọi đến phục vụ những người thích ca tài tử để được sống trong không gian đầm ấm của lời ca, tiếng đờn, tiếng gõ nhịp song lang, tiếng cụng ly đưa cay chút chút giữa những bạn bè thân hữu. Chúng ta hãy trân trọng và giữ gìn những giá trị tinh thần vô cùng quý giá ấy!

Xin chúc Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tuấn luôn mạnh khỏe và tiếp tục gửi cho đời những bài vọng cổ, những trích đoạn cải lương đã gắn liền với tên tuổi của ông.

Trong những ngày tháng 7 năm nay, một tin vui đến người hâm mộ cải lương và ca vọng cổ: đó là một nghị quyết đặc biệt về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 9, vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Theo đó, trong danh sách 50 cá nhân được Chính phủ đồng ý truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân có tên các Nghệ sĩ ưu tú là Thanh Tuấn, Minh Vương, cố nghệ sĩ Giang Châu…

Nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Dự kiến lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” sẽ được tổ chức vào dịp Quốc khánh năm nay.

Theo TRẦN THẮNG (Báo Vĩnh Long)