Nhiều nông dân xã Đông Thành, thị xã Bình Minh-nơi trồng nhiều thanh trà đã tính đến việc phá bỏ để trồng loại cây khác. Với cái đà nầy 30 ha thanh trà của địa phương sẽ bị xóa sổ.
Theo nhiều người trồng cho biết: Thanh trà là loại trái cây dân dã, dễ trồng, táng cao, có sức quyến rũ rất cao bởi hương vị thơm ngon lại có nhiều chất dinh dưỡng làm mát cơ thể, nhất là vào mùa nắng nóng. Trái thường có vỏ bóng màu vàng cam tươi, mùi thơm như xoài.
Thanh trà trồng ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long năm nay mất mùa, ít trái.
Người mua muốn phân biệt trái thanh trà ngọt hay chua rất khó, chủ yếu chỉ trông cậy vào uy tín người bán mà thôi. Ngoài việc ăn tươi hay làm nước giải khát, trái thanh trà còn xanh có thể dùng để nấu canh chua, trộn gỏi, hoặc đem kho chung với cá tạo những món ăn dân dã rất hấp dẫn, lạ miệng. Cạnh đó, nhiều người còn dùng thanh trà để làm mứt bởi chúng có mùi vị ngọt, đậm đà, màu sắc rất bắt mắt.
Bà Nguyễn Thị Thùy, ấp Đông Hưng 3, xã Đông Thành kể thêm: “Thanh trà được trồng ở nhiều nơi trên cả nước nhưng có 2 địa phương trồng với số lượng lớn là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế và xã Đông Thành, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tôi cam đoan chất lượng Thanh trà ở đây hơn xa Thanh trà ở Huế (?)”. Bà Thùy quả quyết.
Mất mùa thanh trà nên lượng trái bán ra cũng giảm đi rất nhiều.
Bà Thùy kể thêm: cây thanh trà thuộc họ xoài, có nguồn gốc từ Malaysia. Trái thanh trà thường có vỏ bóng màu vàng cam tươi, mùi thơm như xoài cát pha lẫn mùi thơm của cam xoàn. Thanh trà có 2 loại chủ yếu là ngọt và chua, giá bán chênh lệch rất cao. Tuy nhiên giá bán chỉ cao khi đầu vụ, khoảng 30 ngày sau giá bán sẽ chỉ còn 50% so với ban đầu vì vào vụ chín rộ khiến chủ vườn buộc phải bán do không thể “neo” trái trên cây.
Bình thường thanh trà cho trái 3 đợt trong năm. Đợt đầu từ rằm tháng giêng âm lịch, mỗi đợt cách nhau khoảng 20 ngày. Thanh trà có thể trồng bằng hạt nhưng phải mất 10 năm thì cây mới cho trái, còn nếu trồng bằng cách chiết cành thì sau 3 đến 4 năm, cây bắt đầu cho trái.
Những trái thanh trà ngon mắt trồng ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Và muốn thanh trà có trái nhiều, cây phải có tuổi thọ từ 20 đến 50 năm. Cây thanh trà càng già, trái càng nhiều. Một cây thanh trà khoãng 30 đến 50 năm tuổi, mỗi năm cho từ 500 đến 700kg trái.
Những năm trước đây nhiều người dân các tỉnh tìm mua cây thanh trà về trồng và giá mỗi nhánh chiết khoảng 70.000 đồng/nhánh. Nhiều nông dân ước tính bình quân mỗi công thanh trà sau khi trừ hết chi phí, nếu trúng mùa, trúng giá sẽ có lãi xấp xỉ 30 đến 40 triệu/công.
Tuy nhiên mùa thanh trà năm nay ở xã Đông Thành, tỷ lệ thất thoát, hư hại quá lớn khiến nhiều người dân điêu đứng. Người trồng khốn khó, người bán trái tươi; nhánh ; người làm mứt thanh trà cũng thất thu rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là đã có những đám mưa đột xuất ( người trồng quen gọi là mưa sương muối) đã làm cho hầu hết bông thanh trà rơi rụng.
Thanh trà được treo bán thành từng buộc dọc quốc lộ 54 qua xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Bình quân mỗi công ( 1.000m2) trồng thanh trà chỉ thu hoạch từ 5 đến 6 ký trái. Với giá bán từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg ( thanh trà ngọt); 60.000 đến 70.000 đồng/kg thanh trà chua, người trồng xem như lỗ nặng.
Bà Nguyễn Thị Tám, ngụ xã Đông Thành cho biết: “Tôi bán thanh trà theo quốc lộ 54 trên 20 năm rồi. Năm nay Thành trà thất mùa lắm. Nếu như năm trước có hàng chục hộ bán thì năm nay người bán trái đếm trên đầu ngón tay bởi có trái đâu mà bán. Còn người bán mứt với cây giống thanh trà thì “ giải nghệ” luôn”.
Nhớ có lần về xã Đông Thành những năm về trước; nơi được xem là vương quốc “thanh trà” của ĐBSCL, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm cây thanh trà đang cho trái say oằn tạo nên những hình ảnh rất đẹp mắt. Ở đây hầu như nhà nào cũng trồng loại cây nầy với số lượng nhiều ít khác nhau bởi hiệu quả kinh tế rất cao. Vậy mà mùa thanh trà năm nay đã mang đến nỗi buồn cho người trồng, người bán lẫn người mua.
Theo PHAN THỊ ANH THƯ (Dân Việt)