Để giúp cây lúa mới gieo sạ nhanh phát triển do ảnh hưởng mưa dầm, nông dân tăng cường bón phân urê và kèm theo thuốc diệt ốc bươu vàng.
Nỗi lo lúa bị chết giống
Nhiều nông dân sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè thu đã tiến hành vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lúa Thu đông (lúa vụ 3) sớm để có thể thu hoạch trước khi mùa lũ về (dự kiến đỉnh lũ xuất hiện vào khoảng tháng 10 tới). Tuy nhiên, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện liên tiếp những cơn mưa lớn và kéo dài nên có không ít diện tích lúa của bà con vừa xuống giống xong thì gặp ngay những trận mưa xối xả nên tạo ra sự lo lắng về tình hình thiệt hại hạt giống.
Đang rải phân bón kèm theo thuốc diệt ốc bươu vàng cho 7 công ruộng của gia đình vừa xuống giống được 5 đêm, ông Nguyễn Văn Phi, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, thông tin: “Tính từ lúc đưa hạt giống xuống ruộng đến nay thì đã có liên tiếp 7 cơn mưa như trút nước cứ liên tiếp ập đến. Vì vậy, qua quan sát thì ruộng của tôi có lúa bị chết loang lỗ khá nhiều nên tới đây sẽ phải nặng công giặm. Để lúa nhanh phát triển và hạn chế bị chết do mưa, tôi tiến hành rải phân urê bổ sung vào, đồng thời thấy có ốc bươu vàng xuất hiện tương đối nhiều nên trộn thêm thuốc diệt ốc cùng với phân bón để rải một lượt”.
Cách ruộng ông Phi không xa, ông Trần Văn Mười với vẻ mặt lo lắng khi đang đi thăm 5 công ruộng của gia đình vừa xuống giống được 2 đêm, chia sẻ: “Mấy bữa trước thấy trời nắng trở lại sau khi mưa liên tiếp nhiều ngày liền nên cứ nghĩ là không còn mưa nữa; do đó tôi và một số bà con nơi đây tiến hành xuống giống lúa Thu đông. Nào ngờ, vừa xuống giống xong thì gặp trời mưa chụp xuống liên tiếp 2-3 cơn nên giờ không thấy hạt giống trên mặt đất nữa. Để cứu hạt giống, tôi và bà con đang tích cực bơm rút nước trên ruộng ra ngoài, với hy vọng hạn chế lúa bị chết, đỡ công giặm tới đây”.
Theo kế hoạch, vụ lúa Thu đông năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ gieo sạ 40.000ha, tập trung ở các vùng đảm bảo về hệ thống đê bao, thủy lợi khép kín để chủ động nguồn nước. Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, nông dân đã xuống giống được hơn 16.000ha, trong đó lúa chủ yếu ở giai đoạn mới xuống giống và mạ là hơn 14.000ha; diện tích còn lại là ở giai đoạn đẻ nhánh. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể của ngành chức năng, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi và ghi nhận từ người dân, do ảnh hưởng của mưa dầm trong những ngày qua nên có nhiều diện tích lúa Thu đông mới gieo sạ bị chết giống. Thế nhưng, mặc dù có mưa dầm nhưng lại nắng ngay trở lại và được nông dân tích cực bơm rút nước nên mức độ thiệt hại hiện tại không nhiều.
Giá bán và năng suất lúa giảm
Nếu như những nông dân mới xuống giống lúa vụ 3 lo lắng do gặp bất lợi về mưa dầm làm lúa chết giống thì nhiều bà con đang vào vụ thu hoạch lúa Hè thu cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi giá và năng suất lúa đều giảm do ảnh hưởng bởi mưa dầm. Theo đó, qua ghi nhận tại nhiều cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch tại huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, hiện giá lúa tươi được thương lái mua tại ruộng đang giảm từ 300-400 đồng/kg so với thời điểm cách nay khoảng nửa tháng. Cụ thể, hiện giống lúa OM 18 được thương lái cân tại ruộng có giá dao động từ 5.000-5.100 đồng/kg (giá đầu vụ là 5.400-5.600 đồng/kg), giống lúa OM 5451 chỉ còn 4.800-5.000 đồng/kg (giá đầu vụ 5.400 đồng/kg), đồng thời một số giống lúa khác như IR 50404, OM 6976, Đài Thơm 8,… cũng rơi vào tình cảnh giảm giá từ 300-400 đồng/kg.
Chia sẻ trong sự tiếc nuối khi hơn 2ha lúa của gia đình còn 2 ngày nữa sẽ thu hoạch, ông Phạm Thanh Thương, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Vụ Hè thu này, tôi làm giống lúa OM 5451, khi lúa vừa trổ bông công trái me thì nghe thông tin từ những hộ thu hoạch lúa đầu vụ cùng giống bán cho thương lái được giá 5.400-5.500 đồng/kg nên trong lòng cũng thấy vui. Thế nhưng, đến ngày lúa của mình gần cắt thì cánh “cò lúa” đến đặt tiền cọc chỉ còn 4.800 đồng/kg, hộ nào bán cao nhất cũng ở mức 4.900 đồng/kg. Vì vậy, dù bán được hết lúa nhưng trong lòng cảm thấy hơi tiếc do cắt chậm một chút mà bán không được giá cao”.
Cũng theo ông Thương, tại cánh đồng này trong những ngày qua thường xuyên xuất hiện mưa lớn nên thông thường khi lúa gặp mưa thì độ ẩm sẽ tăng, một số diện tích còn bị đổ ngã là cánh “cò lúa” tiến hành hạ giá thu mua như lúc này. Mặt khác, hiện nông dân trong tỉnh đang vào mùa thu hoạch rộ lúa Hè thu nên nguồn cung tương đối nhiều; đồng thời có lẽ trước thông tin Philippines loại bỏ kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo với đối tác, trong đó có Việt Nam nên phần nào là nguyên nhân làm cho giá lúa Hè thu đang giảm.
Cùng với giá bán thì năng suất lúa trong lúc này cũng ở mức thấp so với đầu vụ thu hoạch. Vừa thu hoạch xong 8 công lúa Hè thu, ông Nguyễn Văn Tuấn, ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Do ảnh hưởng của mưa dầm làm cho lúa bị sập loang lỗ. Hơn nữa khi thu hoạch thì bông lúa không được khô ráo như lúc trời nắng nên tỷ lệ hao hụt cũng nhiều hơn. Do đó, năng suất lúa của tôi chỉ đạt hơn 750kg/công, trong khi những cánh đồng thu hoạch trước đó thì đạt năng suất khoảng 900kg/công”. Tương tự nỗi lo về năng suất lúa, ông Trần Văn Giàu, ở ấp Thạnh Lợi, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Dù còn 3 ngày nữa mới thu hoạch lúa, thế nhưng do mưa dầm kèm theo gió mạnh trong những ngày qua đã làm đổ ngã đáng kể gần 1ha lúa Hè thu của gia đình. Vì vậy, khả năng hao hụt về năng suất so với lúa đứng là không tránh khỏi. Để giúp việc thu hoạch được thuận tiện, hiện tôi và bà con ở cánh đồng này đang tích cực bơm rút nước từ trên ruộng ra ngoài”.
Vụ lúa Hè thu đang thu hoạch, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 77.339ha, đến nay, bà con đã thu hoạch được hơn 29.000ha; trong đó, riêng huyện Châu Thành A thu hoạch gần dứt điểm (7.913/8.035ha), các địa phương còn lại đang trong giai đoạn thu hoạch rộ. Nếu vào giai đoạn đầu vụ, năng suất lúa bình quân của tỉnh đạt 6,49 tấn/ha thì nay giảm xuống còn 6,32 tấn/ha. Nguyên nhân một phần là do mưa dầm làm lúa bị đổ ngã, trong đó, chỉ tính riêng huyện Long Mỹ có hơn 26ha lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã làm giảm năng suất.
Sau mấy ngày mưa dầm, hiện thời tiết đã bắt đầu nắng trở lại nên nông dân tranh thủ thu hoạch lúa Hè thu, nhất là những thửa ruộng có lúa bị đổ ngã nhằm hạn chế tình trạng hạt lúa bị ướt quá lâu, dễ lên mộng. Bên cạnh đó, bà con kỳ vọng giá lúa được ổn định để nông dân đỡ lo và có được nguồn lợi nhuận khá nhằm tái đầu tư cho mùa vụ tiếp theo...
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)