Nhiều nông dân trồng giống lúa ST 24 và ST 25 ở xã Vị Thanh đang lo lắng vì lúa đã sập và quá ngày thu hoạch.
Có mặt tại cánh đồng lúa thuộc ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, mới cảm nhận được sự lo lắng của nhiều nông dân nơi đây khi lúa Thu đông đã quá ngày thu hoạch từ 2-3 hôm nhưng chưa thể cắt vì mưa dầm. Đặc biệt, hầu hết bà con nơi đây đều canh tác giống lúa thơm ST 24 và ST 25; đồng thời do ảnh hưởng mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm sập gần như hoàn toàn các ruộng lúa nơi đây nên nông dân rất xót lòng. Với tâm trạng như đang ngồi trên đống lửa khi có hơn 1ha lúa Thu đông (giống ST 25) bị sập nằm sát mặt ruộng, ông Lê Văn Tài, ở ấp 5, xã Vị Thanh, cho hay: “Đúng ngày hợp đồng với máy cắt vào thu hoạch lúa nhưng máy mới lên ruộng chưa kịp cắt thì mưa liên tục cả ngày lẫn đêm nên 2 bữa nay chưa thể cắt lúa được. Do mưa kèm theo gió mạnh nên trong thời gian ngắn thì lúa đã sập 100% diện tích. Từ chỗ đánh giá năng suất lúa không dưới 800 kg/công (1.300m2) thì nay sẽ giảm nhiều khi thu hoạch. Bởi lúa sập sẽ gặp khó trong lúc cắt và bị hao hụt ở nhiều khâu. Hơn nữa, giống lúa ST 25 rất nhạy lên mộng, khi bị sập như thế này dẫn đến hao hụt là chuyện khó tránh khỏi”.
Hiện nay, giống lúa ST 24 và ST 25 được thương lái cân lúa tươi ngay tại ruộng có giá 7.000 đồng/kg. Chính vì vậy, với việc lúa đến ngày cắt mà bị sập do mưa dầm làm giảm năng suất đã khiến bà con ở cánh đồng lúa ấp 5, xã Vị Thanh, càng thêm tiếc nuối. “Khi nhận tiền cọc của thương lái và nhìn ruộng lúa nhà mình thì ai cũng nghĩ vụ Thu đông này sẽ trúng đậm cả về năng suất và giá bán. Ai ngờ, mưa đến làm nông dân phải dở khóc, dở cười như lúc này. Hy vọng trời sẽ giảm mưa để bà con tranh thủ cắt lúa được sớm ngày nào mừng ngày đó”, ông Tài chia sẻ thêm.
Không riêng gì cánh đồng lúa ở xã Vị Thanh, qua ghi nhận thì hiện nhiều cánh đồng lúa đang trong giai đoạn thu hoạch, thậm chí lúa chỉ mới ngậm sữa cũng bị sập khá nhiều do mưa dầm kết hợp với gió mạnh trong những ngày gần đây. Để hạn chế lúa tiếp xúc với nước, hiện nhiều nông dân đang tích cực bơm rút nước từ ruộng ra ngoài kênh, đồng thời tổ chức gom những cây lúa bị sập lại thành chùm để buộc lại. Anh Nguyễn Văn Tính, ở ấp 3, xã Vị Thanh, thông tin: “Phải cố gắng tạo mọi điều kiện để có thể cắt lúa bằng máy, chứ thu hoạch bằng tay thì gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tìm nhân công, máy suốt và khó bán, giá giảm nhiều”.
Không chỉ những hộ có lúa bị sập lo lắng mà ngay những bà con có lúa đang trong giai đoạn trổ bông cũng lo ngại không kém vì khả năng lúa bị giảm năng suất do lem lép hạt. Anh Nguyễn Văn Pha, có 6 công lúa Thu đông ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Lúc này, nhiều mảnh ruộng nơi đây có lúa đang trổ bông mà gặp ngay thời điểm mưa dầm như những ngày qua thì hạt lúa bị chứa nước không thể thụ phấn, sẽ bị lem lép hạt khá nhiều. Điều đáng buồn là từ đầu vụ tới nay, hầu hết bà con đều chăm sóc lúa rất kỹ, hứa hẹn mùa bội thu, nhưng nào ngờ thời tiết đang làm năng suất lúa tới đây giảm đáng kể”.
Cũng trên địa bàn huyện Long Mỹ, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo ghi nhận của ngành nông nghiệp huyện thì mưa dầm trong những ngày qua cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích lúa Thu đông muộn mới xuống giống tại các vùng nhiễm mặn phải sạ trễ như: xã Vĩnh Viễn A, thị trấn Vĩnh Viễn, xã Lương Tâm... Nhằm giảm mức độ chết lúa giống, hiện ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ khuyến cáo người dân tranh thủ bơm rút nước từ ruộng ra ngoài để không bị ốc bươu vàng cắn phá.
Bên cạnh nông dân trồng lúa thì nhiều bà con canh tác rau màu trên địa bàn tỉnh cũng đang chịu ảnh hưởng của mưa dầm từ cơn bão số 5, nhất là những hộ trồng dưa hấu ngay thời điểm để trái hoặc có trái non. Với vẻ mặt đầy tiếc nuối, ông Trần Văn Thới, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, thông tin: “7 công dưa hấu nhà tôi đang trong giai đoạn cho trái thì gặp đúng thời điểm mưa dầm trong những ngày qua. Do mưa liên tục nên không thể thụ phấn cho dưa, riêng những dây nào có trái đậu trước đó ít hôm cũng bị nước mưa làm rụng tơ non trên trái nên những trái dưa này sẽ chậm lớn, trái bị chai và nhỏ khi thu hoạch. Nếu trong điều kiện bình thường, một công dưa hấu cho năng suất khoảng 3 tấn trái, nhưng gặp tình cảnh mưa dầm như những ngày qua thì năng suất giảm còn phân nửa. Dù biết vụ thu hoạch dưa sẽ thất nhưng tôi vẫn cố gắng chăm sóc với hy vọng kiếm lại nguồn vốn đã đầu tư”.
Nếu như lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang gặp những bất lợi do bão số 5 gây ra thì có một điều đáng mừng là tính đến chiều ngày 19-9, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào có nhà bị sập và tốc mái do ảnh hưởng của bão số 5. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, cho biết: Trước những thông tin dự báo, cảnh báo của cơ quan Trung ương về bão số 5, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền địa phương của tỉnh tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó với hoàn lưu bão số 5. Thực tế cho thấy, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện mưa dầm kèm theo gió mạnh trên diện rộng, nhưng nhờ chủ động các giải pháp ứng phó từ trước nên bão số 5 không gây thiệt hại về nhà ở cho người dân trên địa bàn. Tuy bão đã qua, nhưng Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương trong tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết từ Trung ương, tỉnh nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống mới xảy ra; đồng thời chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có bão, giông lốc xuất hiện...
Hiện tại, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được gần 700ha trong tổng số diện tích lúa Thu đông đã xuống giống đến thời điểm này là gần 40.000ha. Hiện diện tích lúa Thu đông trong giai đoạn trổ chín là hơn 23.000ha và đây là diện tích bị ảnh hưởng nhiều do bão số 5 khi không ít cánh đồng có lúa bị đổ ngã vì mưa dầm kèm theo gió mạnh trong những ngày qua.
Theo HỮU PHƯỚC (Báo Hậu Giang)