Nhà vườn Chợ Lách chuẩn bị hoa kiểng cho thị trường Tết Tân Sửu 2021
Giữ sản lượng hoa
Trở lại với khu lò gạch cũ ở ấp Lân Tây, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, điểm từng tạo sức hút du khách 2 năm gần đây. Bởi cảnh quan hoa xuân rực rỡ, ấn tượng. Nếu như năm trước, cùng thời điểm này, hàng ngàn chậu cúc mâm xôi đang chuẩn bị đơm nụ thì bây giờ còn thấy xanh rì từng dãy cây xoài giống. Hơn phân nửa diện tích đã được chuyển sang làm cây giống.
Ông Trần Văn Phàn - chủ vườn cho biết: “Năm nay do e ngại dịch bệnh và hạn mặn diễn biến khó lường nên tôi không làm cúc mâm xôi nữa. Vả lại, cúc mâm xôi chăm sóc tới 6 tháng mà tình hình kinh tế thì khó khăn nên không chắc”.
Chuyển sang làm cây giống để bền sức nhưng ông Phàn đã xuống giống hơn 3 ngàn chậu cúc Hà Lan từ rằm tháng Tám âm lịch đến nay. Ông chuẩn bị làm thêm khoảng 2 ngàn vạn thọ nữa để bán Tết. Theo ông Phàn, con số này so với sản lượng cúc Hà Lan, vạn thọ mà ông làm cùng kỳ năm trước là tương đương. Một số nhà vườn tại địa phương cũng mang tâm lý e ngại này. Nếu như mai vàng, kiểng lá, bông giấy giữ mức sản xuất ổn định vì có thể tiếp tục chăm sóc lâu dài thì các loại hoa nở theo mùa được sản xuất dè dặt hơn.
Tại xã Long Thới, vùng chuyên trồng cúc mâm xôi có tiếng xưa nay, các nhà vườn cũng không tăng số lượng sản xuất. Một hộ dân ở ấp Hòa An, xã Long Thới cho biết, năm nay vườn cũng sản xuất với số lượng khoảng 2 ngàn chậu cúc mâm xôi. Ngoài ra, còn làm thêm một ít vạn thọ và mào gà, số lượng không đáng kể.
Cùng với tình hình dịch bệnh phức tạp thì xâm nhập mặn và nhu cầu thị trường là các nguyên nhân khiến nhiều nhà vườn làm hoa kiểng cân nhắc sản lượng sản xuất. Hiện mặn đã xâm nhập sớm vào địa bàn tỉnh. Cùng thời điểm năm 2019, với độ mặn 4%o đã cách các cửa sông chính từ 20 - 32km, độ mặn 1%o cách các cửa sông chính từ 33 - 42km. Mặc dù người dân đã nâng cao ý thức và chủ động trong phòng chống hạn mặn với các giải pháp trữ nước tưới nhưng nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng khi mặn xâm nhập sâu hơn từ tháng 1-2021 là thời điểm cận Tết cũng rất đáng lo ngại.
Cùng với đó, do năm 2020, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nhiều nhà vườn nhận định, người dân có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn trước. Vì vậy, sức tiêu thụ thị trường hoa Tết cũng dự báo lượng cầu giảm.
Kết nối tiêu thụ
Theo ông Hồ Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chợ Lách, hiện tại ngành chức năng huyện đã tiến hành kết nối thị trường cho nông dân tiêu thụ hoa kiểng. Chủ yếu vẫn là các thị trường truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh, như: chợ hoa Xuân bến Bình Đông, chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Công viên 23-9, Công viên Gia Định... Đây là những điểm đã được chính quyền TP. Hồ Chí Minh cấp phép tổ chức Chợ hoa Xuân Tân Sửu 2021.
Nhà vườn Chợ Lách chăm sóc hoa Tết
“Chợ Bình Điền có khoảng 185 lô, bến Bình Đông 230 lô và 180 lô cho các công viên lớn, giữ mức ổn định về số lô đăng ký như mọi năm. Ngoài ra, các điểm nhỏ lẻ tại các phường, quận ở TP. Hồ Chí Minh thì chưa rõ có được tổ chức chợ hoa xuân hay không do còn e ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp”, ông Sơn thông tin.
Đến thời điểm này, các nhà vườn đang dần xuống giống các loại hoa nở ngắn ngày như vạn thọ, mào gà, hoa nở khác. Bông giấy, mai, cúc mâm xôi đã có thương lái, các điểm thu mua đến xem, đặt hàng. Ông Trần Văn Phàn cho biết, hơn 3 ngàn chậu cúc Hà Lan của vườn ông cũng đã được thương lái đến xem và đặt nên cũng yên tâm phần nào. Ông Phàn nói: “Nếu được giá, tôi bán hết luôn ở vườn chứ không chừa lại để đi bán lô như mọi năm nữa. Các năm trước, tôi thường đi bán ở chợ hoa xuân trên Tây Ninh nhưng năm nay tình hình dịch bệnh nên cũng chưa biết sẽ như thế nào”.
Theo các nhà vườn chuyên trồng cúc mâm xôi ở xã Long Thới, giá bán tại vườn năm nay không chênh lệch nhiều so với mọi năm. Thương lái và các điểm thu mua sẽ đến tận vườn xem, đặt hàng, chờ đến ngày thì chở đi tiêu thụ.
Theo THANH ĐỒNG (Báo Đồng Khởi)