Những năm trước, họa sĩ Hậu Giang được tạo điều kiện đi thực tế sáng tác để khơi nguồn đề tài mới.
Điểm nhấn
Năm 2015 đến nay là giai đoạn Phân hội Mỹ thuật khẳng định sự bứt phá, vươn lên bằng những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Mỗi năm, giới họa sĩ trong tỉnh lại có thêm niềm vui vì tác phẩm được triển lãm tại Liên hoan Mỹ thuật ĐBSCL càng nhiều. Từ số lượng chỉ 1-2 tác phẩm ở những năm 2013-2015, đến nay mỗi năm có từ 6-18 tác phẩm được chọn triển lãm, có tác giả đạt giải khuyến khích của Hội Mỹ thuật Việt Nam, 1 giải khuyến khích cấp khu vực… có thể chưa phải đã là giải thưởng cao nhất, nhưng điều đó rất đáng trân trọng.
Họa sĩ Nguyễn Duy Dương chắt chiu từng nét vẽ.
Dù lực lượng chưa đến 20 người, nhưng tự thân mỗi người đã có sự nỗ lực, phấn đấu nâng tầm nghệ thuật. Cùng với đó là việc tạo điều kiện của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để từng thành viên được tham gia các trại sáng tác, những chuyến thực tế, lăn xả vào cuộc sống tìm chất liệu sáng tác. Là người đi nhiều, họa sĩ Nguyễn Duy Dương, Phân hội phó Phân hội Mỹ thuật, chia sẻ: “Mỗi lần đi là những lần trải nghiệm đáng nhớ. Tôi luôn chắt chiu những cảm xúc, những kiến thức từ những người thầy, bạn bè, đồng nghiệp có cùng đam mê, cộng với những cảm nhận riêng về cuộc sống để vẽ những tác phẩm”.
Những giải thưởng các họa sĩ đạt được trong 5 năm qua, ngoài việc tạo điều kiện của Hội Văn học Nghệ thuật về chuyên môn, là sự nỗ lực lớn của mỗi người. Họ đã bằng nhiều cách để có thể làm nên sản phẩm nghệ thuật, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa mang tính thời sự. Họa sĩ Phan Văn Sáu, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Là giáo viên, ít có thời gian tham gia đi nhiều chuyến thực tế, nên mỗi dịp có triển lãm mỹ thuật cấp khu vực là tôi sắp xếp đi. Bởi thường lệ, Hội Văn học Nghệ thuật sẽ tổ chức cho mọi người kết hợp đi thực tế sáng tác luôn. Tôi còn xem thời sự ở nhiều lĩnh vực, để nghiền ngẫm và tìm cho mình một góc nhìn mới cho những sản phẩm nghệ thuật”. Họa sĩ Đức Vận, đàn anh trong giới mỹ thuật ở Hậu Giang, cũng bận rộn với công việc thiết kế, in ấn để nuôi nghệ thuật, cho biết: “Dù rất bận rộn, nhưng khi được tạo điều kiện đi thực tế sáng tác là tôi tranh thủ đi. Đi thì mình mới tìm thấy cái mới, suy ngẫm về những gì mình thu lượm được để làm nên tác phẩm”.
Niềm tin
Dù lực lượng còn mỏng, nhưng sau một chặng đường 5 năm qua, cho thấy chất lượng tác phẩm của từng hội viên đã có sự chuyển biến, nâng tầm chất lượng. Dù chưa ai xem đây là nghề để nuôi sống bản thân và gia đình, mỗi người đều có một công việc riêng, nhưng đa phần vẫn quyết gắn bó với con đường nghệ thuật đã chọn. Gia đình, đồng nghiệp và nghề chính kiếm ra tiền của mỗi người, chính là nguồn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để các họa sĩ nuôi được niềm đam mê, vẽ nên những tác phẩm mang đậm hơi thở, phản ánh bức tranh xã hội đang phát triển…
Dù chưa thể sánh với những tỉnh, thành trong khu vực về số lượng cũng như chất lượng tác phẩm, nhưng qua từng năm, qua các tác phẩm tham dự các giải thưởng trong và ngoài khu vực, đã khẳng định sự phát triển đáng mừng của mỹ thuật Hậu Giang. Đó là kết quả của việc tạo điều kiện của Hội Văn học Nghệ thuật, cộng với sự nỗ lực không ngừng, học tập để nâng cao tầm nghệ thuật của từng hội viên.
Họa sĩ Nguyễn Duy Dương, Phân hội phó Phân hội Mỹ thuật, cho biết, trong thời gian tới sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Phân hội Mỹ thuật tiếp tục mở rộng hoạt động đến các địa phương; thành lập câu lạc bộ thư pháp, câu lạc bộ vẽ tranh ở hai thành phố Vị Thanh và Ngã Bảy, để tiếp tục tạo sân chơi cho những người yêu thích mỹ thuật. Các hội viên sẽ là lực lượng nòng cốt, có vai trò tập hợp lực lượng, phát hiện và chăm bồi những nhân tố mới.
Cùng với đó, từng hội viên sẽ tiếp tục nỗ lực, thâm nhập thực tế và tranh thủ tham gia những lớp tập huấn sáng tác, trại sáng tác khi được tạo điều kiện. Tất cả cùng mục tiêu xây dựng đội ngũ ngày càng lớn mạnh về số, nâng tầm về chất, đưa mỹ thuật Hậu Giang phát triển, khẳng định vị thế.
Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)