Thông tin trên được nêu tại Hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức vào sáng nay 2/12, nhằm kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH và xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, đề ra Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thì với mức tăng trưởng 6,5% Cà Mau chỉ xếp hạng rất thấp so với các địa phương trong cả nước (xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố) và đứng thứ 11/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (chỉ xếp cao hơn 2 tỉnh Hậu Giang và Trà Vinh).
“Một số tỉnh, thành có điều kiện tương đồng như Cà Mau, tiềm năng cũng không hơn nhiều, nhưng tốc độ tăng trưởng hơn hẳn tỉnh Cà Mau. Điển hình như tỉnh Bạc Liêu, năm qua tăng trưởng gần 10%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành cả nước. Do vậy, lãnh đạo các ngành, các cấp trong tỉnh phải lấy đó là bài học để từng ngành, địa phương, cá nhân nêu cao trách nhiệm của mình”, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị, yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc các vấn đề còn hạn chế.
Đánh giá về chuyển dịch cơ cấu của tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ, Bí thư Tỉnh ủy thể hiện sự không hài lòng: “Kết quả đạt được thể hiện sự chuyển dịch cực kỳ chậm”. Từ đó, Bí thư yêu cầu các ngành, các cấp, người đứng đầu các đơn vị phải tìm ra nguyên nhân và có giải pháp phù hợp. Mặt khác, lĩnh vực khoa học công nghệ cũng “chưa đạt yêu cầu”, trong khi hàng năm tỉnh chi kinh phí cho nghiên cứu ứng dụng rất nhiều nhưng kết quả ứng dụng vào thực tế để thúc đẩy tăng trưởng thì tỷ lệ nghịch.
Tại hội nghị, kiểm điểm lại công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, năm 2022 có 18/19 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật như: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,5%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt khoảng 21.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,3 tỷ USD; thu ngân sách đạt khoảng 5.325 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,56%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,9% (54 xã); GRDP bình quân đầu người ước đạt 60,9 triệu đồng.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tỉnh ước đạt 1,3 tỷ USD, vượt 13% kế hoạch, tăng 16,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là mặt hàng thuỷ sản.
Lĩnh vực chế biến tôm và sản xuất phân bón tiếp tục là điểm sáng của ngành công nghiệp tỉnh. Cụ thể, sản lượng chế biến tôm ước đạt 200.000 tấn; sản lượng phân bón ước đạt 1 triệu tấn.
Lĩnh vực thương mại điện tử tỉnh Cà Mau từng bước phát triển. “Mặc dù xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2022 của tỉnh không tăng so với năm 2021 (47/63 tỉnh, thành phố), nhưng điểm số chung tăng gần 3 lần, các chỉ số thành phần cấu thành EBI đều có sự phát triển”, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích.
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên đi kiểm tra trực tiếp, đôn đốc thực hiện các công trình trọng điểm trong tỉnh.
Các công trình xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối, thúc đẩy KT-XH phát triển trong thời gian tới.
Đến nay, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 70.300 tỷ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng ước đạt 4.921 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.
Năm 2022, Cà Mau cũng đã khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu ngay sau khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19 và tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh vào các thị trường chính đều tăng cao so với cùng kỳ: thị trường EU tăng 40,9%, Australia tăng 85,2%, Canada tăng 22,7%, Hàn Quốc tăng 14,1%, Nhật Bản tăng 13,6%,... Từ đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD, vượt 13% kế hoạch, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
“Mặc dù kinh tế của tỉnh đang trên đà phục hồi nhưng còn những hạn chế, khó khăn, thách thức: Tiến độ lập Quy hoạch tỉnh chậm so với kế hoạch; một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm (điện giảm 8%; khí thương phẩm giảm 9,3% và khí hóa lỏng giảm 11,4%); tiến độ xây dựng một số công trình, dự án còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công một số nguồn đạt thấp so kế hoạch; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính có lúc chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở....”, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đánh giá.
Trong năm 2022, tỉnh cũng đã đặt nền tảng quan trọng trong thực hiện chiến lược chuyển đối số quốc gia, nhất là đối với chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải chỉ rõ: “Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan”. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đại biểu dự hội nghị thẳng thắn nhìn nhận, tập trung phân tích sâu, đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc để có giải pháp sớm khắc phục; đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo thực hiện trong năm 2023 với quyết tâm chính trị cao nhất, nhằm đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Năm 2023, Cà Mau đề ra các chỉ tiêu chủ yếu như: GRDP bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 24.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm tối thiểu 0,8% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025); tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 70% (58 xã), trong đó khoảng 12% (7 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trên tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới)…
Theo Báo Cà Mau