Đường giao thông nông thôn tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, trong năm 2023, tỉnh Bến Tre ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án, công trình thanh toán nợ, công trình đang triển khai thi công có tiến độ tốt, công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2023; vận động các nguồn vốn để đầu tư công trình dân sinh cấp bách.
Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, đô thị có khả năng hoàn thành sớm hơn kế hoạch.
Tỉnh hoàn tất thủ tục các dự án Khu di tích lịch sử-văn hóa, cách mạng Bưng Lạc Địa; lập đề xuất dự án thành phần tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với Tiền Giang, Trà Vinh…
Hiện nay, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, ước thực hiện giải ngân kế hoạch cả năm 2022 là 3.997,782 tỷ đồng, đạt 85,38%.
Năm 2022, tỉnh có 115 dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực tăng thêm cho các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tính đến ngày 24/11/2022, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.725 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58,22% so với kế hoạch.
Để đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 là 85,38%, từ nay đến cuối năm tỉnh phải phấn đấu giải ngân thêm 1.379,713 tỷ đồng.
Hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre đã có Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về đề nghị giảm kế hoạch năm 2022 vốn ngân sách trung ương (vốn nước ngoài) là 684,419 tỷ đồng.
Trong trường hợp được Chính phủ cho phép giảm và phân bổ lại trong kế hoạch năm 2023, thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh ước đạt 100% kế hoạch năm 2022.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết, việc giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được thực hiện kịp thời, đúng quy định cho 26 chủ đầu tư trong địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, địa phương chủ động đầu tư ngay từ đầu năm.
Ngay từ đầu năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị ưu tiên giải quyết công việc còn tồn đọng, ưu tiên bổ sung vốn kế hoạch năm 2022 cho những dự án đã có khối lượng nhưng chưa có vốn để giải ngân; nhanh chóng quyết toán, tất toán các dự án hoàn thành tạo năng lực tăng thêm cho đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh.
Tỉnh chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ nhất là các dự án chuyển tiếp, chuyển tiếp hoàn thành trong năm kế hoạch. Đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; hoàn tất nhanh chóng thủ tục cho các dự án khởi công mới.
Đồng thời, triển khai hoạt động của các Ban chỉ đạo, Tổ công tác do Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ trì để kiểm tra thực hiện dự án đầu tư công trọng điểm; chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành từng lúc nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Mặt khác, tỉnh quản lý, theo dõi các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nhằm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng; yêu cầu chủ đầu tư ưu tiên sử dụng nguồn vốn được bố trí để chi trả bồi thường cho các hộ dân ngay khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư dự án tập trung giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Các cơ quan quản lý chuyên ngành xây dựng tham mưu tháo gỡ khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu cho dự án đầu tư công và đồng thời đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ thiết kế cho dự án khởi công mới đủ điều kiện đấu thầu thi công trong năm 2022.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, 2022 vẫn là năm gặp khó khăn khi triển khai kế hoạch thực hiện các dự án do sự tồn đọng công việc của năm 2021 vì dịch bệnh tác động trực tiếp, hụt thu ngân sách ảnh hưởng đến dự án khi giải ngân vốn.
Một số chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư còn rất chậm, đặc biệt là đối với một số dự án trọng điểm của tỉnh, đã được phân bổ vốn.
Các cơ quan quản lý đầu tư, xây dựng mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng việc triển khai thực hiện nhiệm vụ như thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công, dự toán... vẫn còn chậm, đã phần nào làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, giải ngân thanh toán kế hoạch vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ bàn giao mặt bằng chậm so với kế hoạch do vướng thủ tục trong đo đạc thu hồi đất.
Việc thỏa thuận để áp giá đền bù với người dân và phát sinh trong quá trình thực hiện đã làm hạn chế khả năng giải ngân của dự án.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 11 tháng và ước thực hiện cả năm 2022, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối vốn thực hiện và giải ngân của từng dự án trong năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 của địa phương là 5.425,584 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương 2.526,691 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương bổ sung cho các chương trình mục tiêu 2.898,893 tỷ đồng./.
Theo CÔNG TRÍ (TTXVN/Vietnam+)