- Nét nổi bật dễ nhận thấy từ Chương trình XDNTM giai đoạn 2016-2020 là kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Kết quả này có sự đầu tư từ ngân sách nhà nước một phần nhưng quan trọng là thành phố đã huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân và xã hội hóa khá tốt. Phong trào “Cần Thơ chung sức XDNTM” được phát động sâu rộng, sôi nổi, từ đó khơi dậy sức dân, mang lại kết quả to lớn, góp phần thúc đẩy tiến độ XDNTM nhanh hơn, hiệu quả hơn. Với những kết quả đạt được, UBND thành phố vừa có văn bản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Vườn vú sữa trồng theo chuẩn VietGAP tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Ảnh: MỸ THANH
* Ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm rút ra từ công cuộc XDNTM của thành phố thời gian qua?
- Khi đạt được những kết quả nêu trên, chúng tôi rút ra được một số bài học kinh nghiệm. Trước hết, đối với công tác chỉ đạo, điều hành, ban chỉ đạo XDNTM các cấp từ cấp thành phố, huyện đến xã phải thường xuyên kiện toàn, củng cố. Đồng thời, có kế hoạch phân công cụ thể từng thành viên và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tiêu chí nông thôn mới tại các xã. Trong huy động nguồn lực XDNTM, thành phố chủ động, tận dụng các mối quan hệ tìm kiếm các nguồn hỗ trợ trong và ngoài địa bàn. Đặc biệt, các huyện, xã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển sản xuất, kinh doanh qua đó tạo nguồn thu đáng kể đóng góp thực hiện các hạng mục, công trình XDNTM tại địa phương.
Một bài học kinh nghiệm cần được ghi nhận sâu sắc là phải phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện các tiêu chí: vận động, định hướng người dân trong việc chỉnh trang hàng rào, nhà ở; thu gom và xử lý rác đúng quy định; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Đa số các huyện XDNTM của thành phố có nền nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Do đó, chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao thu nhập làm tiền đề huy động nguồn lực trong dân. Đơn cử như: Tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển…
* Thành phố định hướng và đề ra mục tiêu gì trong XDNTM giai đoạn 2021-2025, thưa ông?
- Giai đoạn 2021-2025, XDNTM của TP Cần Thơ tiếp tục đi vào chiều sâu, lấy việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn làm mục tiêu xuyên suốt. XDNTM theo hướng để có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị.
Theo kế hoạch, TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025, có 24/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 huyện được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đầu tư, nâng chất phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong giai đoạn này, các huyện, xã tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã dưới 1%; có 100% trạm y tế đạt chuẩn; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 95%. Cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch sẽ, tỷ lệ người dân nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 94%; giao thông nông thôn thuận tiện quanh năm, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của bà con nông dân; an ninh trật tự luôn được giữ vững…
* Vậy thành phố đã đề ra giải pháp gì để XDNTM Cần Thơ tiếp tục bứt phá trong giai đoạn 2021-2025?
- Để đạt được mục tiêu trên, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú và đủ sức thuyết phục mọi người cùng chung tay, góp sức nâng chất các tiêu chí thêm bền vững. Đối với cảnh quan môi trường, khuyến khích người dân trồng cây xanh, hoa kiểng, tạo cảnh quan trên các tuyến đường giao thông để tạo nên cảnh quan nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp, thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải...
Với yêu cầu đặt ra các tiêu chí nông thôn mới ngày càng cao, nhất là các tiêu chí liên quan đến thu nhập của người dân. Chính vì vậy, các địa phương cần xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình gắn với sản xuất sản phẩm chủ lực theo hướng an toàn, có tổ chức dịch vụ cung ứng và tiêu thụ tập trung. Đơn cử, mô hình hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình tổng thể “Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030”… Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tiếp cận thị trường cho lực lượng cán bộ, xã viên để đáp ứng yêu cầu của một hợp tác xã kiểu mới.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu... Ngoài ra, thành phố cũng cần đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước (vốn ODA, các định chế tài chính…); đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm tín dụng phục vụ Chương trình XDNTM… Có như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu đề ra.
* Xin cảm ơn ông!
Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)