Nâng giá trị cho hạt lúa

13/03/2020 - 08:55

Những năm qua, huyện Vị Thủy luôn định hướng nông dân thực hiện mô hình canh tác thông minh, sản xuất với giống lúa chất lượng cao để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm lúa gạo.

Người dân ở xã Vị Thủy đang thu hoạch lúa Đông xuân.

Theo UBND huyện Vị Thủy, vụ lúa Đông xuân 2019-2020 trên địa bàn duy trì diện tích gieo trồng 17.276ha. Trong vụ này, toàn huyện có 3.315 hộ dân tham gia liên kết sản xuất với 2.633ha. Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho biết: Thời gian qua, huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa, ưu tiên đưa các giống lúa chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt, trong năm nay, huyện tập trung vận động người dân thực hiện theo mô hình canh tác lúa thông minh, trồng lúa nguyên chủng chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm lúa gạo.

Để kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển bền vững, các giải pháp huyện Vị Thủy đề ra thực hiện là tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tiếp tục củng cố, nâng chất lượng hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình mới có lợi nhuận cao.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Vụ Đông xuân 2019-2020, năng suất lúa đạt theo yêu cầu đặt ra. Bình quân mỗi héc-ta đạt từ 7,8 tấn. Toàn huyện hiện có 77ha cấy lúa vùi phân một lần, có gắn kết bao tiêu với doanh nghiệp. Chủ yếu tập trung vào các hợp tác xã ở xã Vị Bình, Vị Thắng, Vĩnh Thuận Tây và Vị Thủy, trong đó thực hiện trồng lúa giống và các loại lúa chất lượng cao như Châu 6, Đài Thơm và ngoài ra còn có giống RVT. Đặc biệt, vụ Đông xuân năm nay toàn huyện có 30% diện tích được người dân trồng giống lúa chất lượng cao ST24 và đang được thu mua với giá 7.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với vụ Đông xuân năm rồi. Ở vụ này, diện tích trồng lúa trên địa bàn được các doanh nghiệp thu mua từ 11.000-12.000ha, còn lại từ 5.000-6.000ha đều có thương lái đến thu mua.

Theo ông Trí, vụ Đông xuân 2019-2020, tỷ lệ hộ dân trồng lúa sạ hàng chiếm gần 70%. Tuy nhiên, cấy lúa vùi phân một lần là mô hình mới, có hiệu quả nhưng để phát triển đại trà thì còn nhiều khó khăn, do cần nguồn vốn đối ứng của người dân và giá thành phân bón còn ở mức cao. Do đó, Phòng NN&PTNT huyện đang nghiên cứu sử dụng loại phân nào vừa mang lại hiệu quả cao và ít chi phí, giảm giá thành cho người nông dân. Theo đó, trước mắt tiếp tục tìm mô hình liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu vào, đầu ra cho nông dân. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục vận động Nhân dân thay đổi tập quán canh tác, khuyến cáo trồng lúa theo ứng dụng khoa học công nghệ, trồng các loại lúa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường.

Từ hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện giảm được chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Ông Ngô Văn Út Em, ở ấp 2, xã Vị Thủy, phấn khởi cho hay: “Vụ Đông xuân 2019-2020, gia đình tôi thu hoạch lúa đạt năng suất khoảng 1,1 tấn/công. Để có kết quả này, nhờ tôi áp dụng trồng lúa theo phương pháp sạ hàng 3 năm qua. Tôi thấy hiệu quả trước tiên là giảm được tiền công giặm lúa ít bị đổ ngã. Nhờ đó giúp cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, tăng lợi nhuận cho gia đình”.

Để giúp người trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, cho biết: Toàn xã có 250ha trồng lúa theo phương pháp sạ hàng, 15ha trồng lúa theo phương pháp cấy lúa vùi phân một lần và 65ha lúa cấy. Dự kiến trong vụ Đông xuân 2020-2021, trên địa bàn xã thực hiện cấy lúa vùi phân một lần tăng thêm 21ha. Để đảm bảo cho việc sản xuất đạt hiệu quả cao, xã thường xuyên vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Thường xuyên theo dõi các cống đập, khuyến cáo người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, cử cán bộ kỹ thuật thăm đồng và vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chất lượng cao.

Theo bà Trần Hồng Tim, Bí thư Đảng ủy xã Vị Trung, hiện nay xã đã xây dựng mô hình sản xuất lúa an toàn, thông minh chất lượng cao theo chuỗi giá trị, mời gọi doanh nghiệp bao tiêu. Trong vụ Đông xuân 2019-2020, bên cạnh diện tích gieo sạ thông thường, xã còn trồng lúa đạt chuẩn và bán theo giá xuất khẩu. Trong vụ Hè thu tới đây, xã vận động nông dân tham gia trồng lúa theo hướng an toàn và đăng ký làm lúa sạch.

Song song tập trung nâng cao chất lượng cho cây lúa, hiện nay huyện Vị Thủy tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn phối hợp thực hiện, nghiên cứu đề xuất phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Theo T.XOÀN (Báo Hậu Giang)