Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, từ đầu vụ nuôi 2019 đến nay, toàn tỉnh đã thiệt hại hơn 372 triệu con tôm giống; trong đó, hơn 107 triệu con tôm sú giống trên diện tích 158 ha và hơn 265 triệu con tôm giống thẻ chân trắng trên diện tích 440 ha. Tôm bị thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.
Ông Lê Văn Phi, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang cho biết, địa phương có tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại cao nhất tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có hơn 2.500 lượt hộ thả nuôi hơn 213 triệu con tôm sú giống trên 990 ha mặt nước và hơn 4.200 lượt hộ thả nuôi gần 780 triệu con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 1.445 ha.
Tuy nhiên, đã có hơn 800 hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại gần 70 triệu con giống trên diện tích 287 ha, chiếm 29% diện tích thả nuôi; 938 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại gần 180 triệu con giống trên diện tích 316 ha, chiếm gần 22% diện tích thả nuôi.
Trước tình hình trên, từ nguồn Chlorine dự trữ 50 tấn, ngành nông nghiệp huyện đã cấp phát cho các hộ nuôi vùng trọng điểm bị thiệt hại để xử lý ao nuôi, khống chế dịch bệnh trên tôm nuôi không để lây lan trên diện rộng.
Đồng thời, cử cán bộ nông nghiệp hỗ trợ, tư vấn người dân phương pháp điều trị bệnh cho tôm, kỹ thuật xử lý vệ sinh môi trường ao nuôi, khống chế mầm bệnh…
Vụ nuôi tôm năm 2019, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi 2,2 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 21.700 ha và 6 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 8.500 ha, phấn đấu đạt tổng sản lượng 51.000 tấn tôm thương phẩm. Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi hơn 1 tỷ con tôm sú giống trên diện tích hơn 15.000 ha và 1,65 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 3.000 ha.
Theo TTXVN