Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp ông Út Chín (trái) có thu nhập khá hơn.
Chuyển đất lúa lên vườn cho hiệu quả cao
Thông qua vận động của chính quyền địa phương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lại được Trung tâm Khuyến nông huyện và Trung tâm Giống (Sở Nông nghiệp- PTNT) hỗ trợ cây giống, ông Nguyễn Văn Phúc (Út Chín, ở ấp Tân Phong 2, xã Tân Long Hội- Mang Thít)- đã lần lượt chuyển đổi dần đất ruộng lên vườn trồng cây bưởi da xanh.
“1 gốc bưởi cho lợi nhuận tương đương 1 công lúa, trong khi mỗi công đất có thể trồng được 40 gốc bưởi”- ông Út Chín nhẩm tính và cho biết- “Từ hồi chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái, đời sống gia đình tui ngày càng khấm khá. Bình quân, mỗi công bưởi da xanh tui bán được 110 triệu đồng/năm, lời 70- 80 triệu đồng/năm.
Hiện, ông Út Chín có 8 công bưởi da xanh từ 4- 12 năm tuổi. Để cây bưởi phát triển tốt, ông cho rằng cần phải đảm bảo “3 tốt”. Đó là: đất tốt, cây giống tốt và chăm sóc tốt. Chính vì vậy, ông luôn dành thời gian để chăm bón tốt nhất cho vườn cây của mình.
Ông Út Chín còn phát triển thêm mô hình chăn nuôi bò vừa “lấy công làm lời”, vừa có thêm thu nhập và tận dụng phân chuồng để bón cho cây. Bên cạnh, ông còn sử dụng thuốc sinh học trị bệnh trên cây bưởi vừa giúp ông bảo vệ sức khỏe bản thân vừa không lo ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Sau khi về đích NTM, Đảng ủy, UBND xã Đông Bình (TX Bình Minh) tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập, nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50 triệu đồng/năm trở lên;
cuối năm 2018, anh Thạch Sa (ấp Phù Ly 1) đã chuyển hẳn 2 công đất ruộng lên vườn trồng hơn 500 gốc bưởi Năm Roi và trên 400 gốc mít Thái, trong thời gian chờ cây cho trái, anh Thạch Sa tận dụng đất trống để trồng ớt sừng trâu vàng và ớt chỉ thiên.
Từ lúc gieo hột tới thu hoạch ớt là 4 tháng, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng. Cứ 3 ngày anh Thạch Sa hái trái 1 lần, lúc rộ có thể thu được 300- 400kg.
Năm nay, 2 loại ớt này có giá tương đối cao. Ớt sừng vàng 30.000- 40.000 đ/kg, còn ớt chỉ thiên có khi lên đến trên 100.000 đ/kg.
Theo anh Thạch Sa, để bỏ qua khâu trung gian, anh đem đến tận vựa nên bán được giá cao hơn so với giá thương lái mua tại vườn. Đến nay, anh đã thu hoạch được trên 3 tấn ớt sừng vàng và hơn 2 tấn ớt chỉ thiên. Anh nhẩm tính, lời gần 200 triệu đồng.
Tạo điểm nhấn rõ nét
Ông Vi Ta Va Lay- Bí thư kiêm Trưởng ấp Phù Ly 1- cho biết, trước tình hình giá lúa bấp bênh, địa phương khuyến cáo nông dân nên chuyển đổi từ chuyên canh lúa sang luân canh lúa- màu, chuyên canh màu hoặc lên vườn cây ăn trái để nâng cao thu nhập.
Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung cơ cấu lại mùa vụ theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích màu và cây ăn trái.
Đến nay, toàn ấp đã chuyển đổi hơn 3ha đất ruộng lên vườn cây ăn trái. Bước đầu, nhiều nông hộ tận dụng “lấy ngắn nuôi dài” và đã có lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa.
Theo ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp qua 6 năm triển khai thực hiện đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh.
Đề án đã xác định được nhóm nông sản chủ lực của tỉnh (3 cây- 3 con). Đến nay, đề án vẫn tiếp tục đi đúng hướng.
Trong đó, cây lúa giảm diện tích gieo trồng nhưng năng suất và giá bán ổn định. Rau màu và cây ăn trái tiếp tục mở rộng diện tích. Đàn gia cầm tăng trưởng mạnh.
“Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã tạo ra điểm nhấn ngày càng rõ nét”- ông Liêu Cẩm Hiền nhận định và cho biết thêm- “Các sản phẩm chủ lực đang từng bước khẳng định được vị trí và đóng góp cho giá trị tăng trưởng của ngành.
Các dự án thuộc chương trình phát triển sản phẩm nông sản chủ lực tuy chỉ mới triển khai trong thời gian ngắn (2016- 2019) nhưng đã đem lại hiệu quả đáng kể, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng của đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Năm 2019, chương trình đã tạo được bước chuyển rõ nét theo hướng ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực và tiềm năng của tỉnh. Trong đó, không chỉ chú trọng mở rộng diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm trong tất cả các khâu sản xuất.
Các vùng sản xuất nông sản tập trung hiện đang được hình thành phù hợp với lợi thế của từng địa phương và gắn với định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh. “Đây là tiền đề nền tảng để xây dựng các vùng nguyên liệu lớn gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm”- ông Liêu Cẩm Hiền nói.
Để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ông Liêu Cẩm Hiền cho biết: Ngành sẽ tiếp tục định hướng kéo giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, tăng diện tích màu và cây ăn trái; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và giữ ổn định đàn vật nuôi; ổn định đàn cá tra và phát triển mô hình thủy đặc sản.
Năm 2019, việc phát triển kinh tế và tổ chức lại sản xuất được gắn kết chặt chẽ với thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Tại các địa phương, mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng, các sản phẩm chủ lực như cây có múi và nhiều nông sản như lúa, khoai lang, cam, bưởi… tiếp tục hướng đến sản xuất đạt chất lượng (GAP, hướng hữu cơ,…) và liên kết chuỗi. Hiện, các địa phương trong tỉnh đã và đang theo đúng định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, rất nhiều mô hình kinh tế trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Theo Báo Vĩnh Long