Người ta thường nói đất Nam Bộ là nơi xem trọng lễ nghĩa, nên khi nhà có đám tiệc là khâu chuẩn bị phải thật kỹ lưỡng. Ðồ ăn đãi khách tuy không là sơn hào hải vị nhưng nhất định không thể thiếu các món quen thuộc trên mâm cỗ như: thịt kho rệu, các loại dưa chua, lẩu ngọt, bì cuốn... và món tráng miệng là các loại bánh dân gian. Nhiều người hỏi, thời đại này rồi sao không đổi thực đơn ăn cho đỡ ngán, nhưng lỡ đổi thì lại thấy trống vắng một cách lạ lùng, không còn dư vị chân chất, mộc mạc, từ đó cũng mất đi giá trị cốt lõi của văn hoá ẩm thực vùng sông nước miền Tây.
Theo văn minh thời đại, đi đám tiệc bây giờ là để thưởng thức, nhưng về những vùng nông thôn, ăn đám là phải ăn no, ăn để nhớ, hơn hết là để gắn kết tình làng nghĩa xóm. Thế mới thấy, văn hoá ẩm thực chính là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc của một địa phương, vùng miền.
Các dì, các chị đến phụ, dù không là thợ nấu nhưng họ rất khéo tay, tháo vát.
Ở những vùng nông thôn, mỗi dịp có đám tiệc, bà con, xóm giềng lại tề tựu để phụ giúp gia chủ chuẩn bị các món, tạo không khí nhộn nhịp, gắn kết.
Ðặc biệt, về Cà Mau ăn đám làm sao có thể thiếu món dưa chua bồn bồn, thị kho rệu.
Sau khi chuẩn bị xong thức ăn, làm các thủ tục cúng kiếng ông bà, mâm tiệc sẽ được dọn hết tất cả các món lên cho 1 bàn 10 người dùng.
Trong các đám tiệc gia chủ thường gói bánh tét để biếu khách mang về.
Theo Báo Cà Mau