Thưa ông, địa điểm tổ chức ngày thơ có gì đặc biệt ?
- Chúng tôi chọn Ngã Bảy làm điểm tổ chức. Nơi đây cũng là một địa điểm thơ mộng, đã đi vào thơ nhạc. Mục đích chọn nơi này cũng là để giới thiệu nét đẹp của vùng đất này với thi nhân, để giúp họ có thêm những cảm nhận mới về vùng đất hôm nay đã có nhiều đổi thay, phát triển, nhưng vẫn giữ được vẻ nên thơ làm say đắm lòng người. Đây cũng là sự lựa chọn tối ưu để các thi sĩ đến từ Cần Thơ, Sóc Trăng không phải đi một đoạn đường quá xa để tham dự.
Vậy năm nay, ngày thơ được 3 đơn vị Hậu Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng phối hợp tổ chức, thưa ông ?
- Vẫn là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang tổ chức, nhưng để tạo cho chương trình thêm nhiều màu sắc, chúng tôi đã mời thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng cùng tham gia. Đây là dịp để thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó, kết nối tình cảm của văn - nghệ sĩ. Các đơn vị tham gia giao lưu góp vào chương trình ít nhất 3 tiết mục, cùng với gần 10 tiết mục ca múa, ngâm thơ của Hậu Giang, hứa hẹn sẽ tạo những điểm nhấn thú vị cho chương trình tổng hợp này.
Đêm Nguyên tiêu năm 2017 được tổ chức tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang.
Không gian tổ chức có điểm gì đặc sắc, thưa ông ?
- Tiếp nối thành công của những năm trước, chúng tôi sẽ triển lãm khoảng 60 tác phẩm thơ, nhạc dưới hình thức lồng đèn, treo hai bên bối cảnh vào nơi sân khấu chính. Cùng với đó là 2 bộ ảnh nghệ thuật của ĐBSCL, tỉnh Hậu Giang, phản ánh sắc nét cuộc sống dưới góc nhìn nghệ thuật. Gần sân khấu biểu diễn là gian trưng bày khoảng 500 quyển sách, đặc biệt là những tác phẩm của các văn - nghệ sĩ Hậu Giang. Sân khấu được thiết kế gọn gàng, ấm cúng, để mọi người cùng ngồi lại với nhau như những người bạn tri âm để thưởng thức những tác phẩm đặc sắc…
Còn những tiết mục thơ, nhạc được chọn trình diễn trong chương trình sẽ như thế nào, thưa ông ?
- Đây không chỉ là những sáng tác mới của các nghệ sĩ Hậu Giang, mà còn có những sáng tác của các nghệ sĩ ở các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, chúng tôi còn mời một số nghệ sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trần Mai Hường, Cao Sơn, để giao lưu cùng những người yêu thích thơ ca. Chúng tôi còn dành khoảng hơn 30 phút để khán giả giao lưu với các nhà thơ, để cùng chia sẻ, cùng đồng cảm với họ. Qua đó, giúp mọi người hiểu hơn và thêm trân quý những gì mà họ vắt sức để mang đến hương thơm cho đời bằng những trang viết của cảm xúc, của sự trải nghiệm, chắt chiu.
Còn lực lượng tham gia biểu diễn trong chương trình này như thế nào, thưa ông ?
- Với các tiết mục của Hậu Giang, chủ đạo vẫn là những giọng ngâm đến từ Cần Thơ, còn các tiết mục ca, múa sẽ do Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh, các nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà Thiếu thi Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao thị xã Ngã Bảy biểu diễn. Đây là những gương mặt quen thuộc, những tiết mục cũng đã bắt đầu triển khai tập luyện, hứa hẹn sẽ tạo điểm nhấn ấn tượng.
“Về miền sông nước Hậu Giang”
Là chủ đề Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tại Hậu Giang. Ngày thơ không chỉ là cơ hội gắn kết những nghệ sĩ, mà thông qua hoạt động này, thế hệ trẻ thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình với đất nước; tạo điều kiện cho những cây bút trẻ, đặc biệt là cây bút còn ngồi trên ghế nhà trường bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình với quê hương, đất nước. Đây cũng là dịp nâng cao sự hiểu biết về thi ca và tình yêu văn học với mọi tầng lớp nhân dân”.
|
Xin cảm ơn ông và chúc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tại Hậu Giang đạt kết quả ngoài mong đợi !
Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)