Nghề sửa máy cày, máy gặt

10/01/2022 - 09:03

Khi bông lúa đã “cong trái me”, cũng là lúc những “thợ” sửa máy nông nghiệp bắt đầu công việc. Những ngày này, tại các vùng quê ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), đâu đâu cũng có tiếng của động cơ máy cày, máy gặt… đang vận hành, sửa chữa, đợi đến ngày ra đồng. Trong số những người thợ sửa máy có người học qua trường lớp, có người tự học, tự đúc kết kinh nghiệm rồi thành nghề.

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến mùa lúa là anh Nguyễn Văn Nam, Khóm 5, thị trấn Trần Văn Thời, lại theo đội đi hết ấp này đến ấp khác để sửa chữa máy cày, máy gặt. Anh Nam cho biết: “Tôi làm nghề được 6 năm rồi, máy nào cũng làm như máy kéo lúa, máy gặt đập…, chủ yếu là vệ sinh máy, tra dầu mỡ động cơ… Hết động cơ trên bờ bắt đầu bảo trì máy móc trên sông như: ghe chở chúa, ghe hàng… Công việc thường diễn ra từ sáng đến chiều, khi nào hoàn thành hết công việc mới nghỉ”.

Thời điểm này, ông Tô Tấn Tài, nhân viên Công ty TNHH MTV Thiện Quý (đại lý máy nông nghiệp KUBOTA của tỉnh Cà Mau) cũng bận rộn. Ðội sửa chữa, bảo dưỡng hiện có 4 thành viên chia nhau đi khắp tỉnh Cà Mau. Mùa lúa đông xuân, công việc sửa chữa, bảo trì diễn ra nhiều hơn, chủ yếu làm cho bà con kịp ăn Tết.

Ông Tài thông tin: “Máy gặt đập liên hợp ra đồng sau một vụ thường hư hỏng. Thông thường, quá trình bảo dưỡng diễn ra hơn 1 tháng, bình quân được 10 chiếc. 1 lần đi bảo dưỡng người dân trả chi phí khoảng 400.000 đồng”.

“Trước đây tôi học qua trường cơ khí rồi nên những động cơ này không mấy bỡ ngỡ. Ðam mê nghề nên quyết tâm theo đuổi đến giờ”, ông Tài tâm sự.

Cũng đam mê với ngành cơ khí, thời trẻ, anh Lê Như Ý, Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông, theo máy gặt đi khắp các cánh đồng. Sau thời gian làm thuê, anh dành dụm tiền mua được 1 máy cày lớn (KUBOTA M704k), 2 máy gặt và 2 máy xới đất. Hiện tại, mùa vụ nào máy nông nghiệp của anh cũng được bà con thuê. Anh Ý cho biết: “Mùa vụ cày đất của bà con bắt đầu sau Tết Nguyên đán (gần hết vụ đông xuân), máy cày hoạt động nhiều, có khi cày đến đêm mới kịp tiến độ”.

Qua thời gian nghiên cứu, những động cơ như đầu máy cần phải nhờ thợ sửa khi hỏng hóc, còn một số động cơ như hộp số, đạn thì anh Ý tự mày mò sửa chữa. Hết cắt đồng này đến đồng khác, máy gặt của anh Ý được bà con thuê từ vụ hè thu đến đông xuân.

Anh Ý bộc bạch: “Mình gắn bó với nghề này cũng vì đam mê. Bà con có máy nông nghiệp hư hỏng mình hướng dẫn sửa tận tình để người dân biết cách bảo dưỡng, vận hành, tăng độ bền cho động cơ máy móc”.

Anh Lê Như Ý, Ấp 7, xã Khánh Bình Ðông bảo dưỡng máy cày trước khi ra đồng

Nghề sửa máy nông nghiệp tốn nhiều công sức, khi đã tháo động cơ ra thì phải lau dầu mỡ, bảo dưỡng máy móc kỹ càng

Gần đến mùa lúa, ông Tô Tấn Tài (áo xanh), Công ty TNHH MTV Thiện Quý cùng đội sửa máy phải làm việc hết công suất

Bà con nông dân vệ sinh máy cày “chét” (máy cày xới đất) sau khi sạ lúa

Hiện tại, nông dân huyện Trần Văn Thời bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân. Sau thời gian bảo dưỡng, máy gặt đập liên hợp đã bắt đầu đi khắp nơi cắt lúa cho bà con

Theo NHẬT MINH (Báo Cà Mau)