Nghệ thuật Nhạc Trống Lớn của người Khmer Cà Mau là di sản quốc gia

06/04/2022 - 06:01

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 786/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Nhạc Trống Lớn của người Khmer huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hoá phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

Nghệ nhân ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình biểu diễn dàn nhạc Trống Lớn tại Liên hoan “Tiếng hát 3 dân tộc” được tổ chức tại huyện Trần Văn Thời.

Nhạc Trống Lớn (Plêng Skôr Thum) ra đời, tồn tại và trao truyền ở Cà Mau hơn 100 năm qua, từ khi người Khmer từ vùng trên xuống đất này cộng cư sinh sống với người Kinh, người Hoa. Dàn nhạc gồm: trống lớn (Skô Thum), chiêng, chhưng (chũm choẹ), 2 trống nhỏ, đàn Chà pây, đàn cò (đàn nhị), đàn Khưm tôch…

Hiện nay tỉnh Cà Mau có 2 địa phương ở huyện Thới Bình còn lưu giữ và phát huy dàn nhạc Plêng Skô Thum, gồm khu vực chùa Rạch Giồng (chủ yếu là ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ) và chùa Cao Dân, Ấp 7, xã Tân Lộc, với số lượng khoảng 30 nghệ nhân. Các dàn nhạc này theo dạng trao truyền qua nhiều thế hệ thực hành và gìn giữ.

Nhạc Trống Lớn có giá trị như một báu vật trong đời sống văn hoá của người Khmer ở Cà Mau.

Dàn nhạc Trống Lớn được trao truyền qua nhiều thế hệ thực hành và gìn giữ.

Trước đó, năm 2021, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau giao đơn vị Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ gởi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia./.

Theo HUỲNH LÂM (Báo Cà Mau)