Người lưu giữ lịch sử quê hương Cần Đước

13/12/2023 - 14:27

Ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, vậy mà, ông ba Đông (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) vẫn sưu tầm và viết sử, đặc biệt là lịch sử, văn hóa của quê hương Cần Đước. Đây là cách ông lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của quê hương để trao truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Mỗi người có cách thể hiện tình yêu quê hương khác nhau nhưng với ông ba Đông, tình yêu đó được thể hiện qua từng trang sử

1. Ông ba Đông tên thật là Nguyễn Văn Đông, sinh năm 1953, quê ở thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước. Sinh ra và lớn lên trên quê hương có bề dày về lịch sử, văn hóa, ông mong muốn làm một điều gì đó để góp phần lưu truyền nét văn hóa đặc sắc này.

Năm 2009, sau khi về hưu, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử địa phương để viết thành sách Lịch sử - Văn hóa Cần Đước. Sách gồm 313 trang ghi lại quá trình hình thành, địa giới hành chính, tự nhiên, KT-XH của huyện Cần Đước, đặc biệt là những nét đẹp các di tích lịch sử - văn hóa của huyện gắn liền với các giai đoạn cách mạng của địa phương, tinh thần chiến đấu quả cảm và những chiến công vang dội của quân và dân Cần Đước.

Ngoài ra, trong sách Lịch sử - Văn hóa Cần Đước, ông còn giới thiệu những đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân địa phương; nghệ thuật đờn ca tài tử được truyền dạy từ Đức nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại với các nghệ nhân, nhạc sư, nhạc sĩ qua nhiều thế hệ đã lưu giữ và phát huy giá trị nghệ thuật của dòng nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ tại huyện; lý giải cách đặt tên ấp, xóm của người dân Cần Đước;...

Ông ba Đông cho biết: “Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ một cách thiết thực nhất là để tụi nhỏ tìm hiểu về lịch sử quê hương nơi mình sinh ra, yêu từng bến đò, dòng sông,... Có tìm hiểu lịch sử quê hương, biết được truyền thống của địa phương, chúng ta mới hiểu hơn về quê hương mình, càng tự hào thì càng phải rèn luyện thành người có lý tưởng, hoài bão để chung tay xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Vì lý do này mà tôi quyết tâm nghiên cứu lịch sử địa phương để viết thành sách, giúp tụi nhỏ hình dung về quê hương, phong tục, tập quán của đất và người Cần Đước”.

2. Không chỉ viết sách, ông ba Đông còn thành lập fanpage Người Cần Đước, thường xuyên cập nhật các thông tin mang tính lịch sử, văn hóa của đất và người Cần Đước như giới thiệu về nghề đóng ghe truyền thống, cuộc sống của người dân Tân Trạch xưa, lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn, nguồn gốc người Cần Đước,... Ngoài ra, trang này còn cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình chính trị, văn hóa và xã hội của địa phương.

Fanpage Người Cần Đước cung cấp nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa của quê hương Cần Đước

 

Fanpage Người Cần Đước cung cấp nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa của quê hương Cần Đước

Chị Trần Thị Mộng Đào (quê Cần Đước) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cần Đước. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm việc và lập gia đình tại TP.HCM nên ít có thời gian tìm hiểu về quê hương nơi mình sinh ra. Từ khi tham gia fanpage Người Cần Đước, tôi có điều kiện cập nhật nhiều hơn thông tin về quê hương mình. Những thông tin được đăng trên fanpage rất gần gũi, thiết thực, mang một điều gì đó thân thương lắm, nhất là với những người con xa xứ như chúng tôi. Xem được một tấm ảnh về chợ Cần Đước xưa, hình ảnh về ngôi trường ngày trước mình từng theo học, ký ức tuổi thơ chợt ùa về. Để rồi dù đi đâu, làm bất cứ điều gì, tôi vẫn không quên được nơi chôn nhau cắt rốn”.

Không riêng chị Đào, quê hương đối với những người xa xứ thiêng liêng và ý nghĩa biết dường nào! Vì điều này mà fanpage Người Cần Đước đã kết nối rất nhiều người con xa xứ lại với nhau. Ở đó, họ được tìm về nguồn cội, nơi mình được sinh ra. Với những người còn lưu giữ hình ảnh của Cần Đước xưa thì fanpage chính là nơi chia sẻ, giới thiệu đến mọi người về làng quê Cần Đước xưa.

Mỗi người yêu quê hương theo cách riêng của mình và ông ba Đông gửi tình yêu đó vào từng trang sách lịch sử. Cầm quyển sách Lịch sử - Văn hóa Cần Đước do ông ký tặng, chúng tôi xin tri ân và cảm ơn người đã hết lòng vì lịch sử - văn hóa của quê hương Cần Đước./.

Theo HẢI TRIỀU (Báo Long An)