Bãi Bất (Bãi Đá Đen) đẹp xanh mát. BÁCH HỶ
Những bãi đá là tên của gió
Xã đảo Nam Du cách TP.Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 90 km. Từ Rạch Giá đi cao tốc khoảng 210.000 đồng, sau hơn 2,5 giờ đồng hồ, du khách được đưa tới cầu cảng xã An Sơn. Tại đây, khách tiếp tục xuống tàu gỗ (một loại tàu đánh cá được sửa chữa để phù hợp đưa rước khách) và chi thêm 25.000 - 30.000 đồng nữa, đi khoảng 7 km là đến xã đảo Nam Du.
“Tới Nam Du mà chưa đi Hòn Mấu là chưa tận hưởng hết vẻ đẹp của xã đảo này”, đó là câu nói của người dân xứ đảo. Là 1 trong 3 ấp của xã Nam Du, ấp Hòn Mấu cách Hòn Ngang (trung tâm xã Nam Du) khoảng 5 km, có diện tích khoảng 200 ha, khoảng 140 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu sinh sống.
Từ Hòn Ngang du khách có thể thuê một phương tiện nhỏ (như chiếc xuồng) với khoảng 200.000 đồng/lượt, sau 30 phút là có thể đến được nơi đây.
Bãi Nồm với những hàng dừa uốn lượn theo chiều gió. BÁCH HỶ
Một góc Bãi Chướng. BÁCH HỶ
Người dân trên ấp Hòn Mấu sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thuỷ sản, vá lưới. BÁCH HỶ
Nhìn từ xa, Hòn Mấu được phủ một màu xanh bởi những hàng dừa và cây rừng. Cập vào hòn, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp còn rất hoang sơ mà tạo hóa đã ban tặng cho những bãi biển nơi đây.
Những cái tên như Bãi Chướng, Bãi Nam, Bãi Bất, Bãi Nồm không mấy mỹ miều nhưng được người dân trên đảo lý giải là: “Không biết tự bao giờ đã có tên như vậy, chắc là do những người đầu tiên đặt chân lên đảo đặt tên theo mùa gió thổi”.
Từng bãi có những câu chuyện thú vị riêng. Bãi Bất (còn gọi là Bãi Đá Đen) là những tảng đá lớn, nhỏ nhấp nhô theo từng con sóng. Bãi Chướng là bờ cát trắng mịn chảy dài, ôm men theo hòn đảo. Bãi Nam không hoàn toàn là cát, trên bãi ngập tràn những viên đá nhẵn, được bào mòn qua thời gian bởi sóng biển. Nhiều người ra đảo không ai mà không tự nhặt từng viên đá mát lạnh bỏ vào bọc mang về làm quà cho đất liền. Bãi Nồm là những hàng dừa rợp bóng mát, uốn lượn theo chiều gió.
Nghề nuôi cá lồng bè ở Hòn Mấu. BÁCH HỶ
'Nơi yên bình nhất trần gian'
Người dân trên đảo Hòn Mấu rất hiền hòa và hiếu khách, phần lớn sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và vá lưới thuê. Có điều lạ là phần nhiều các hộ dân trên đảo là thông gia và bà con dòng họ của nhau.
Đi trên đoạn lộ bê tông dài gần 2 km, du khách dễ dàng bắt gặp trên từng nét mặt rạng ngời, tươi cười của người dân xứ đảo, họ liên tục hỏi, vui mừng như một cách chào đón khách đón khách ghé thăm.
Trong chốc lát, sự hiếu khách của người dân nơi đây đã giúp bạn hoá ra gần rũi, như người dân sống trên xã đảo tự bao giờ. Đến lúc này, bạn sẽ được hòa mình như người thân trong nhà, cùng chọc trái dừa tươi uống; cùng gỡ cá biển đang mắc lưới, nấu bữa cơm trưa. Thú vị nhất là khách du lịch sẽ được những cậu bé hướng dẫn bạn nhặt đá cụi nhẵn và đẹp để về làm quà.
Trẻ em ở Hòn Mấu. BÁCH HỶ
Để đến được Hòn Mấu, du khách phải thuê chiếc xuồng nhỏ từ Hòn Ngang để qua
Tại đây, du khách sẽ được “hướng dẫn viên không chuyên” dẫn xem nơi trưng bày thờ đầu cá Ông nặng hàng tấn vừa linh thiêng và huyền bí.
“Hơn nơi nào hết, Hòn Mấu là nơi yên bình nhất trần gian”, bà Lê Kim Thanh (50 tuổi) người dân bản địa nói. Trọn đời người gắn bó với hòn đảo, bà chưa từng chứng kiến cảnh đánh nhau, gây rối làm mất an ninh trật tự tại đây.
Nếu có thời gian, chắc chắn bạn sẽ khó từ chối lời mời rất chân tình của người dân nơi đây để lưu lại qua đêm trên hòn. Khi ấy, buổi chiều, bạn sẽ cùng người dân đi bắt ốc, giăng cá để tối nướng hoặc nấu cháo, rồi ngồi trên mỏm đá ở Bãi Đá Đen nghe sóng biển để thưởng thức thú vui hiếm nơi nào có được.
Theo BÁCH HỶ (Thanh Niên)