Người vẽ bảng hiệu bằng tay hiếm hoi ở Đồng Tháp

08/01/2024 - 10:15

Nhiều năm về trước, vẽ bảng hiệu là nghề “hái” ra tiền. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh của công nghệ, nghề này không còn thịnh hành và ông Nguyễn Nam Thanh (73 tuổi) được biết đến là người vẽ bảng hiệu quảng cáo bằng tay hiếm hoi còn sót lại ở Ðồng Tháp.

A A

Ông Thanh trong căn nhà của mình.

Phải hỏi thăm rất nhiều người, chúng tôi mới tìm được nhà họa sĩ Thanh nằm ven đường Trần Hưng Ðạo, TP Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp. Trước mắt chúng tôi, giá vẽ, bảng hiệu, tranh, ảnh chật ních căn phòng chưa đầy chục mét vuông. Những tấm bảng hiệu được treo trước nhà, chiếc cọ nhuốm màu xưa cũ, khung hình, bức vẽ từ sơn dầu treo khắp vách tường phòng khách đã in dấu thời gian. Và cả những chiếc ghế, chiếc bàn đầy dấu vết tháng năm, kèm theo mái tóc sương gió… Ðó là những thứ có vẻ ngoài đổi thay sau hơn nửa thế kỷ theo nghề vẽ, còn tình yêu ông Thanh dành cho nghề họa hình vẫn vậy, đậm đà như màu vẽ bảng hiệu xưa.

Giờ đây, ở tuổi xế chiều, họa sĩ Thanh tiếp tục cầm cọ thực hiện từng nét vẽ theo các đơn hàng, bởi khách hàng vẫn tin cậy, yêu mến nét vẽ của ông. Ông Thanh kể, ông sinh ra trong gia đình lao động nghèo có 7 anh chị em. Vốn đam mê vẽ từ nhỏ nên năm 13 tuổi ông quyết định xin vào nhà vẽ Hồng Thái đường Minh Phụng (Chợ lớn, Sài Gòn) để học nghề. “Khi đó, tôi thi trượt vào đệ thất (lớp 6 ngày nay) nên để kiếm sống, tôi quẩy thùng kem đi bán dạo, ban đêm dự lớp học văn hóa chờ thi lại vào năm sau. Cả nhà không ai đam mê hội họa, tôi thì say mê nên quyết tâm phải theo nghề bằng được” - ông Thanh nói.

Thấy được đam mê của ông, chủ nhà vẽ quyết định nhận vào học việc. Dần dà, nhờ chịu khó, kiên trì, ông Thanh thành thục nghề. Năm 1970, ông tìm đến TP Sa Ðéc để lập nghiệp và định cư cho tới nay.

Ông Thanh cho biết, thời hoàng kim của nghề vẽ bảng hiệu bằng tay khoảng thập niên 1980-1990. Khi đó, cơ sở kinh doanh mua bán và được nhiều nơi đặt hàng. Các loại bảng hiệu được sáng tạo trên mọi vật liệu như tôn, gỗ, tường hay là vẽ trực tiếp lên mặt tiền cửa hàng bằng chất liệu sơn dầu, đem lại vẻ đẹp mộc mạc. Ðể vẽ ra được 1 bảng hiệu hoàn chỉnh trải qua nhiều công đoạn: đóng khung, sơn lót phông nền, phân chữ, sau đó bắt tay vào vẽ. Riêng với 1 bảng hiệu cửa tiệm, tùy theo kích thước lớn, nhỏ ông Thanh phải vẽ vài ngày mới hoàn thành. Lúc này, để kịp giao cho khách, ông làm việc không kể ngày đêm, nhờ đó có thu nhập rất khá. “Năm 2010, tôi nhận vẽ 111 chiếc sà lan, mỗi chiếc chi phí 1,2 triệu đồng. Ðó cũng là lần để lại kỷ niệm khó phai trong suốt hơn nửa đời người theo nghiệp vẽ của tôi” - ông Thanh nhớ lại.

Nói về công việc hiện nay, ông Thanh trầm tư: “Ðã hết thời”. Theo lời ông nói, việc vẽ bảng quảng cáo hiện rất “ế”, mỗi tháng chỉ được ít đơn hàng, thậm chí có tháng cũng không có đơn hàng nào. Dẫu cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ ông Thanh nghĩ đến việc bỏ nghề bởi gắn bó quá lâu, đó không chỉ là nghề mưu sinh...

Theo NGUYỄN TRINH (Báo Cần Thơ)