Ngoài phục vụ ăn uống, vườn táo của gia đình ông Lê Văn Nhàn còn là nơi cho trẻ em tập bơi xuồng
Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất
Là nông dân trồng cây ăn trái nhiều năm, ông Võ Văn Phục ở ấp 2, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh cho rằng, trong thời gian làm vườn, ông luôn suy nghĩ làm sao để giải quyết khó khăn khi thu hoạch gặp phải tình trạng dội chợ, rớt giá. Và rồi, ông Phục tìm được nguyên nhân do bà con nông dân trồng trọt đại trà, thu hoạch cùng thời điểm, sản lượng nhiều, vì vậy nên cung vượt cầu, dẫn đến tình trạng giá cả bấp bênh.
Thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương về phát triển nông nghiệp nông thôn và tìm hướng đi riêng trong việc làm vườn, năm 2011, ông Phục chọn 2.000m2 đất trong 1,2ha đất vườn nhà trồng măng cụt. 1 năm sau, thấy cây phát triển tốt, ông Phục tỉa bỏ bớt xoài, trồng xen măng cụt vào hết số đất còn lại. Ông Phục cho biết: “Măng cụt là loại cây có nhu cầu tưới nước thường xuyên, nhất là giai đoạn mới trồng và đang mang trái. Trái măng cụt có giá trị dinh dưỡng cao, vì lợi ích người tiêu dùng, tôi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Ngoài ra, tôi còn dùng rơm, cỏ khô và bùn non phủ lên gốc cây, giúp đất tơi xốp và giữ nước cho cây”.
Cũng tìm hướng đi cho riêng mình, 10 năm nay, ông Lê Văn Nhàn ngụ ấp 2, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh theo đuổi chuyện chọn trồng cây táo. Ông kể, những năm trái táo rớt giá, bà con nhà vườn ở địa phương đốn bỏ táo, riêng gia đình ông giữ lại. Vì ít người trồng, nên mấy năm gần đây giá táo tăng lên. Hiện táo có giá 20.000 đồng/kg, cao hơn 1.500 đồng/kg so với năm 2018. Sau 1 năm trồng, cây táo sẽ cho trái. “Trong trồng trọt, tôi dùng phân chuồng, phân xanh ủ hoai bón cho cây và sử dụng thuốc tỏi đuổi ruồi vàng đục, đẻ trứng trong quả táo. Sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo đất rất tốt và tăng hiệu quả hấp thu các chất dinh dưỡng cho cây”, ông Lê Văn Nhàn nói.
Khách du lịch đến tham quan vườn táo gia đình ông Lê Văn Nhàn
Đón du khách đến tham quan
Tận dụng lợi thế vườn trái cây nằm cạnh Tỉnh lộ 846 (đường vào Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, thuộc xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh), tháng 9-2018, ông Lê Văn Nhàn khai thác vườn táo ngọt, táo chua rộng 1,1ha phục vụ khách du lịch đến tham quan. Táo là loại cây chịu nắng. Để táo sai trái, ít bị sâu đục thân, đục trái và tạo lối đi thông thoáng cho du khách, ông Nhàn làm giàn, căng dây kéo nhánh táo lên cao. Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên sáng sớm ông Nhàn phun nước rửa sạch trái táo, để trưa khách tham quan đến hái trái ăn ngay tại vườn. Theo bà Trần Thị Sơn (vợ ông Nhàn), cây táo cho thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Một người vào vườn táo mua vé có giá 40.000 đồng. Với số tiền này, du khách tự tay hái trái ăn ngay tại vườn và bơi xuồng, câu cá dưới bóng cây râm mát. Trung bình mỗi ngày, vườn táo đón khoảng 30 lượt khách. Riêng những ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa rồi, số lượng khách tăng lên hơn 150 lượt người/ngày. Thu tiền vé và phục vụ ăn uống, mỗi ngày trừ chi phí, nhà vườn thu lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng. Chị Đinh Lê Hằng ở quận 7, TP.Hồ Chí Minh vui vẻ cho biết: “Được bạn bè giới thiệu, gia đình tôi tổ chức 2 ngày đi du lịch tại Đồng Tháp. Ghé vườn ăn trái cây, nằm võng nghỉ trưa mát mẻ, tôi rất thích. Và thích hơn là được ăn những trái cây do mình tự hái. Năm sau, gia đình tôi sẽ quay trở lại”.
Năm 2018, cây măng cụt cho trái, học hỏi những nhà vườn trong tỉnh, ông Võ Văn Phục khai thác vườn măng cụt gia đình làm du lịch sinh thái. 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, trung bình mỗi ngày có gần 60 lượt khách đến đây mua trái cây, họp mặt, ăn uống. Trái măng cụt hiện có giá 50.000 đồng/kg. Mỗi mùa thu hoạch (từ giữa tháng 4 đến tháng 6), vườn măng cụt gia đình ông Phục cho khoảng 3 tấn trái, trừ chi phí, ông thu lợi nhận trên 100 triệu đồng.
Toàn huyện Cao Lãnh hiện có 4 nhà vườn làm du lịch sinh thái. Từ đầu năm đến nay, các nhà vườn này đã đón trên 9.000 lượt khách đến tham quan; trong đó có 7 khách quốc tế. Định hướng phát triển du lịch sinh thái của các nhà vườn trong thời gian tới là trồng thêm nhiều loại cây ăn trái nhằm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan quanh năm.
Theo Báo Đồng Tháp