Nhớ nhân cách văn hóa Bến Tre: Anh Hai Nghĩa

23/02/2021 - 09:47

Mấy hôm nay, trên các báo trong và ngoài tỉnh đã có nhiều bài viết về nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, tôi như mọi người Bến Tre, gọi anh bằng một danh từ dung dị - anh Hai Nghĩa. Và trong tâm thức, các kỷ niệm với anh Hai Nghĩa lại ùa về trong tôi.

A A

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng và ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồi côi tỉnh. Ảnh tư liệu

-1-

Rời mái Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, tôi về làm giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre từ ngày 21-9-1977. Năm 1979, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy mời một số giảng viên đến báo cáo cho cán bộ của ban một số vấn đề văn học vào vài buổi tối trong tuần tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Tôi gặp anh Hai trong buổi báo cáo ấy, khi một cán bộ của Ban Tuyên huấn tỉnh giới thiệu: “Đây là anh Hai Nghĩa, Phó trưởng ban”. Anh Hai Nghĩa bắt tay tôi và niềm nở: “Chào thầy giáo”. Cảm giác trong tôi là một người dung dị, dễ gần. Khi ấy, tôi chưa biết anh đã làm thầy giáo, nhưng thấy thân thiết “đồng khí tương cầu” toát ra từ anh lan truyền sang tôi. Thực ra, buổi báo cáo của tôi như các buổi báo cáo của giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre, thế mà khi ra Hà Nội, anh nói với những người lính bảo vệ anh khi tôi đến thăm: “Đây là thầy giáo của tôi, khi tôi làm ở Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre”. Cảm giác xấu hổ luôn xuất hiện trong tôi khi nghe cán bộ bảo vệ của anh chào tôi: thầy giáo của thủ trưởng Hai ở ngoài cổng nhà anh tại Hà Nội, bởi một buổi báo cáo, chứ đâu có là một chương trình học một học kỳ hay cả năm học trên giảng đường. Tôi cảm phục anh Hai, bởi tôi hiểu đó là sự trân trọng của một nhà lãnh đạo, một nhà chính trị với những người thầy, cô giáo.

-2-

Năm 1982, anh Hai được chuyển về làm Bí thư Huyện ủy huyện Giồng Trôm, huyện điểm của Bến Tre. Anh Phan Ngọc Đằng (Hai Đằng) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm yêu cầu tôi đi cùng về Giồng Trôm thăm anh, mà bây giờ tôi không nhớ ngày cụ thể. Cả một buổi, tôi và anh Hai Đằng ngồi nghe anh nói chuyện về huyện Giồng Trôm, từ các xã khó khăn như xã Châu Bình có mắm còng, xã có đặc sản mà giờ chưa phát triển như xã Hiệp Hưng với bánh phồng Sơn Đốc. Cảm giác trong tôi là người Bí thư Huyện ủy hiểu biết rất kỹ về huyện Giồng Trôm, nơi anh làm Bí thư Huyện ủy. Khi ấy, tôi mới công tác ở Bến Tre chưa đến 5 năm. Nghe anh nói về huyện Giồng Trôm mà thán phục, tự nhắc mình, muốn nghiên cứu văn học dân gian Bến Tre, phải hiểu Bến Tre như ông Bí thư Huyện ủy.

Cuối buổi là bữa cơm thân mật giữa anh Hai Đằng, cùng tôi với anh Hai. Tôi lại ngạc nhiên về sự chân tình, bình dân của anh Hai. Không khách sáo, mà thân tình, vừa ăn vừa nói tiếp chuyện huyện Giồng Trôm và các suy nghĩ của anh, dự định phát triển huyện Giồng Trôm của anh sắp tới bàn bạc trong Huyện ủy, trong lãnh đạo huyện. Ra khỏi nhà ăn tập thể của Huyện ủy Giồng Trôm, tôi không nghĩ mình vừa ăn cơm với một Bí thư Huyện ủy, mà nghĩ mình mới ăn cơm tại nhà một người anh của gia đình, một Bí thư Huyện ủy mà tiếp khách dân dã, bình dân.

-3-

Lần thứ hai tôi được anh Hai Nghĩa mời dự bữa chiêu đãi của Chủ tịch tỉnh Trương Vĩnh Trọng tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Ấy là năm 1988. Với dự định lãng mạn khi dời mái Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, mong muốn làm một cái gì đó về Bến Tre, tôi đọc những tài liệu đã có về văn hóa, văn học Bến Tre. Càng đọc, tôi càng thấy kho tàng văn học Bến Tre, cả văn học dân gian và văn học viết đều đa dạng và phong phú. Tự xác định sẽ sưu tầm, sưu tập, biên soạn một cuốn sách về văn học dân gian Bến Tre, tôi và vợ tôi lặng lẽ chuẩn bị cho cuốn sách này suốt 10 năm. Năm 1988, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản cuốn Văn học dân gian Bến Tre của  hai vợ chồng tôi, với sự hỗ trợ của ngành văn hóa tỉnh, nhất là anh Năm Lê Huỳnh. Tôi vẫn nhớ một buổi chiều, tôi được phòng hành chính gọi lên nghe điện thoại của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Tôi ngạc nhiên nghe thông tin của một cán bộ:  Anh Hai Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban tỉnh mời hai vợ chồng anh dự bữa cơm thân mật vào lúc 6 giờ chiều mai tại Văn phòng Ủy ban tỉnh.

Chiều hôm sau, khi đến tôi mới biết Ủy ban tỉnh mời có ba người: thầy giáo Tăng Đức Sang, giáo viên Trường Trung học Sư phạm tỉnh, người đầu tiên của ngành giáo dục Bến Tre được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và vợ chồng tôi, mới được Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố cuốn sách Văn học dân gian Bến Tre. Anh Hai Nghĩa cùng anh Năm Lê Huỳnh, khi ấy đã nhận nhiệm vụ tại Ủy ban tỉnh chờ bổ nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp vợ chồng tôi và Nhà giáo ưu tú Tăng Đức Sang. Bữa cơm ấy khiến hai vợ chồng tôi rất phấn khởi, cảm động. Làm khoa học, được tỉnh tạo điều kiện ra mắt công trình, đã hạnh phúc rồi, còn được nhà lãnh đạo chính quyền cao nhất của tỉnh gặp gỡ, mời cơm! Chúng tôi không nghĩ bữa cơm mà nghĩ sự  trân trọng với một thành quả nho nhỏ của những người làm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu văn hoá của anh Hai Nghĩa, của anh Năm Lê Huỳnh! Hình như đây là nét đẹp của lãnh đạo tỉnh Bến Tre với các cán bộ khoa học, cán bộ văn hóa văn nghệ, dù là quê ở đâu, nhưng có công trình, có tác phẩm tốt về Bến Tre là các anh quý mến, trân trọng! Vẫn là một sự thân mật, bình dân như tôi từng gặp khi cùng ăn cơm với anh tại huyện Giồng Trôm hôm nào.

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại vườn cây trái gia đình. Ảnh: PV

Tôi vẫn nhớ lời dặn của anh Hai Nghĩa khi chia tay: “Tiếp tục nghiên cứu văn học Bến Tre để có các công trình nữa được xuất bản nhé”. Vì thế, khi nộp đề cương để làm luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ), tôi đã chọn một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre để làm đề tài cho luận án phó tiến sĩ của mình, đồng thời sưu tập các tác phẩm văn học chữ viết Bến Tre từ khởi thủy đến năm 1975 làm một cuốn sách. Năm 1995, cuốn sách Tuyển tập văn học chữ viết Bến Tre từ khởi thủy đến năm 1975 của tôi được Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố.

 -4-

Sau ngày 30-4-1975, thị xã Bến Tre có một nhà máy điện chỉ cung cấp được cho mấy phường, mấy xã xung quanh thị xã.Tháng 9-1977, Trường Cao đẳng Sư phạm ở Trường Tân Dân thì điện ổn. Nhưng giữa năm 1978,  Trường Cao đẳng Sư phạm dời  về Trường Phan Tôn cách thị xã chừng 4km thì điện phập phù. Khu tập thể của trường có hai dãy nhà: một dãy của các gia đình, một dãy của các giảng viên, nhưng điện chập chờn. Tôi nhớ trong một cuộc họp giao ban đầu năm, thầy Hiệu trưởng Phan Ngọc Đằng thông báo tỉnh đã khởi công xây dựng đường dây 110KV Mỹ Tho - Bến Tre vượt qua sông Tiền, nối lưới điện Bến Tre với lưới điện quốc gia. Quả thực, mừng thì nhiều, nhưng một số anh em Khoa Toán Lý  cùng họp với chúng tôi thì băn khoăn: sông Tiền rộng mênh mông, kéo đường dây cao thế qua ,chả biết thế nào? Ấy vậy mà, ngày 19-5-1989, Báo Đồng Khởi đã đăng tải lễ khánh thành đường dây điện vượt sông Tiền 110KV nối tỉnh Bến Tre với lưới điện quốc gia. Ngày 28-9-1989, cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm ra Ngã ba Tân Thành dự mít tinh, chứng kiến cảnh đóng mạch điện vượt sông Tiền tại Trạm biến áp 110KV ở Ngã ba Tân Thành. Mọi người dân cũng như chúng tôi thấy ông chủ tịch Trương Vĩnh Trọng, có cầm tờ giấy đọc ngắn gọn quá trình làm đường điện nối Bến Tre vào lưới điện quốc gia, khi những công nhân và kỹ sư báo tin, điện quốc gia đã về Bến Tre, thì cũng là lúc ông buông tờ giấy và la rất lớn: “-Bà con ơi, có điện quốc gia rồi! Bà con ơi, có điện quốc gia rồi! Vui quá, bà con ơi!”. Đứng vòng ngoài của cả hàng trăm người, tôi rất ngạc nhiên với hành động của một ông chủ tịch tỉnh: bình dân và không hề dùng văn bản, nói với người dân bằng tấm lòng thành thật của mình. Có lẽ, chả vị chủ tịch tỉnh nào la lớn mà dân dã trước mọi người dân trong một sự kiện lớn như thế của tỉnh mình. Sau này, trò chuyện với một vài bạn bè ở ngành điện, tôi mới biết công trình kéo điện quốc gia vượt sông Tiền về Bến Tre là một hành động có một không hai của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre khi ấy. Xóa khoảng cách sông Tiền, nối ba dải cù lao Bảo, Minh, An Hóa với đồng bằng sông Cửu Long là hành động  có một không hai, nhất là tư duy thời bao cấp. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tìm đến Công ty Điện lực II, nhờ chuyên gia Liên Xô (cũ) giám sát kỹ thuật, nào là tỉnh không có tiền hỗ trợ… Nhưng in đậm trong tâm trí tôi vẫn là một ứng xử bình dân của một Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, phát biểu trong một lễ mít tinh, mà như nói chuyện với bà con lối xóm, không quan cách chút nào. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa quê hương phát triển, không phải cán bộ quản lý tỉnh nào cũng có. Nối điện Bến Tre với lưới điện quốc gia, đó là một hành động phi thường, xứng đáng ghi đậm vào lịch sử Bến Tre, lịch sử ngành điện Việt Nam. Nét đẹp của nhân cách văn hóa Bến Tre là thế!.

 -5-

Bẵng đi mấy năm, tôi và anh Hai Nghĩa không gặp nhau. Tôi về Hà Nội công tác ở Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ tháng 10-1990, còn anh làm chủ tịch tỉnh đến năm 1991 rồi chuyển công tác về Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tôi cứ nghĩ, anh Hai Nghĩa sẽ không nhớ tôi. Thế mà cuối năm 1998, cậu sinh viên học tôi ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre đến thăm tôi, kể hôm nay ông Hai Nghĩa hỏi thăm thầy. Chả là cậu ấy cùng mấy sinh viên của trường ra dự Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam, gặp ông Hai Nghĩa là khách mời dự Đại hội. Nghe Ban tổ chức giới thiệu đoàn sinh viên Bến Tre lần đầu tham gia Đại hội, nên giờ nghỉ, ông Hai Nghĩa gặp tụi em. Câu đầu tiên ông hỏi có phải sinh viên của trường thầy Hai Đằng, thầy Bền không? Rồi ông Hai hỏi các chuyện khác, động viên chúng em phải cố gắng học tập, xứng đáng truyền thống hiếu học của người Bến Tre. Lúc sau, mấy bạn sinh viên đi cùng em cứ hỏi thầy Bền là hiệu phó trường cao đẳng à, sao ông Hai nhớ kỹ thế. Thì ra, trong tâm thức anh Hai Nghĩa, những người nghiên cứu văn học Bến Tre luôn được ông ghi nhớ, chứ không phải là lãnh đạo nhà trường. Đối xử tình nghĩa, chân thành với tất cả mọi người, từ người làm công tác quản lý đến người làm nghiên cứu khoa học, nghe chuyện của người sinh viên cũ, tôi càng cảm động về nhân cách một người lãnh đạo, một nhà chính trị, sinh trưởng tại Bến Tre.

-6-

Từ sau năm 2006, thỉnh thoảng tôi có gặp anh tại nhà ở Đội Cấn, thăm anh chị ở nhà công vụ, rồi nhà công vụ ở phố Chùa Một Cột. Vẫn là cách thức tiếp khách dân dã, bình dân mà tôi cảm nhận khi gặp anh lần đầu tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre hơn bốn mươi năm trước. Không khi nào anh chị nhận quà Tết của gia đình tôi, nhưng khi ra về, thế nào anh chị cũng gửi quà Tết cho bọn trẻ nhà tôi. Có năm, sau ngày 23 tháng Chạp, anh đã cho lính mang quà Tết biếu gia đình tôi tận nhà rồi. Thiệt tình, bao năm quen biết anh, tôi luôn nhận được sự quan tâm đầy tình nghĩa chân thành của anh Hai. Tôi nhớ, lúc ở Bến Tre, tôi gọi anh bằng chú, rồi chính anh bảo: “Kêu tôi bằng anh thôi, tôi ít tuổi hơn Năm Lê Huỳnh mà!”. Chả là, tôi vẫn xưng hô anh em với anh Năm Lê Huỳnh. Mãi khi gặp nhau tại Hà Nội, tôi mới thay đổi cách xưng hô và gọi anh Hai thân thiết.

Giờ anh Hai đã về với tổ tiên, về với thế giới người hiền. Trong tâm thức tôi, anh Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng là một nhân cách văn hóa của Bến Tre: giản dị, bình dân, quan tâm giúp đỡ mọi người, quý mến mọi người dù là người làm quản lý hay làm nghiên cứu văn hóa, văn học, hay một người dân bình thường, luôn vượt khó để làm giàu cho quê hương, cho đất nước, mang niềm vui, hạnh phúc cho mọi người. Từ khi là Phó trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đến khi làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, nhân cách văn hóa của anh Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng không hề thay đổi.

Hà Nội, ngày 22-2-2021

GS.TS Nguyễn Chí Bền

Theo Báo Đồng Khởi