Nhớ… Tết quê xổ đập

10/01/2023 - 11:03

Quê tôi miệt vườn. Ngày xưa, hễ cận Tết là xúm xít quét dọn, lợp lại mái nhà, lau dọn bàn thờ, trồng vài bụi bông vạn thọ. Rồi lăng xăng ép chuối phơi khô, chộn rộn cạy dừa khèo mứt, hì hụi nhổ mì quết bánh phồng lo ba ngày Tết. Vui nhất là xổ đập, bắt tôm càng xanh kho tàu cúng ông bà…

A A

Xổ đập ngày Tết. Ảnh: L. Uyên

1. Rựng sáng. Má tôi vén mùng rề khỏi bộ ván mọt ăn. Lần kẹt vách lá chằm moi tìm hộp diêm. Trời lạnh. Diêm ỉ òm, bủn xì ráo trơn xẹt hoài không cháy. Hồi ngoại còn sống, biểu cứ kê lên miệng, bụm họng khà hơi sẽ khô. Má xẹt lửa, mồi vô đèn dầu vàng chạch. Bưng ra mé rạch coi nước. Coi mòi sát rồi! 

Cả nhà tốc dậy. Má ý tứ ngáp lén, lui cui sành soạn thau thùng, rổ rá. Chiếc võng dây chuối thắt hồi nẳm cọt kẹt nín thinh. Tía đã guộn lên cột hàng ba, lúc má rục rịch châm dầu. Rồi ngồi tréo ngoảy vấn điếu thuốc rê Mỏ Cày, rít vài hơi, hớp mấy ngụm trà bông lài, tằng hắng thúc anh Ba xách len, vọt lẹ ra vườn khai đập. Thằng Út giả đò, nằm chèo queo trên tấm phên bện bằng hom dừa nước, quấn chiếc chiếu cũ mèm, đầu đít kín mít. Gió từ ngọn rạch thổi lên tê tái. Tôi phải biện pháp mạnh giật mùng, tung chiếu. Lôi xềnh xệch cặp giò mốc cới. Nó mới chịu chườn ra bộ dạng lèm nhèm, càm ràm.

Xóm tôi có lệ, tầm 25 tháng Chạp trở đi là xổ đập, tát hố bom ăn Tết. Nhà sát rạch thì làm đập rạch. Không thì tận dụng mương vườn. Lóng tháng Ba âm lịch, tía đốn cây quao làm cừ, chắn ngang con rạch cùn. Chặt cây tạp chằng chéo mé hông. Rọc bao bố tời phủ lên. Móc bùn đắp cao lêu nghêu gọi là mặt đập. Một khúc rạch bị chặn, ứ nước bên trong để dụ tôm, nhử cá. Cả nhà xúm quơ nhánh cây khô, bẻ tàu lá dừa nước cụp xuống, làm thành ổ chà cho cá tôm trú ngụ. Ngày nào, thằng Út cũng đi hốt ổ kiến vàng về rang, lượm dừa rụng chuột khoét cạy nướng cho tôm tẩm bổ.

… Mấy nhát len anh Ba xắn xuống. Miệng đập bung ra. Nước ức chế lâu ngày xô nhau tháo chạy. Thằng Út được “lệnh” vô tuốt ngọn rạch, chỉ việc rảo tới rảo lui, canh “dân hôi đập” núp lùm mò trộm. Tía mài cái rựa bén ngót, lội chặt ô rô, cắt dây cóc kèn, không quên ngó tim sủi bọt, áng chừng tôm trúng hay thất. Còn má lăng xăng un vỏ dừa, khói bay sặc sụa, đuổi bọn bù mắt và muỗi lá, cứ nghe bùn tanh là canh me chích choác. Rồi quay qua chụm củi bẹ dừa, luộc nồi khoai lang vụn. Tôi là “lính đánh thuê”, biểu đâu quánh đó, chạy tới chạy lui.

Chừng hơn tiếng đồng hồ, nước rút cạn xăm xắp. Lộ trùi trụi mấy ổ chà lổm chổm. Bọn cá đối, cá lóc, bống cát lềnh khênh, chen chúc nhau tìm phương trốn thoát. Lớp lựa bùn non chúi xuống. Lớp lủi vô bập dừa, ống bộng hay hốc cây khô. Mớ trốn không kịp, giãy đành đạch kiểu ăn vạ. Còn lũ lòng tong, tép bạc thì vô số kể, chịu không thấu dòng nước đục ngầu, há miệng đớp khí, nổi đầu lểnh nghểnh. Tụi nhà tôm cố thủ ổ chà, quơ râu đỏ ngới tựa vũ đạo tuồng cổ ngoài đình. Chúng nối đuôi nhau như tù binh, giơ càng đầu hàng, ngược nước kiếm đường “bôn tẩu”.

Hai má con tôi xách thùng, rổ xúc, rộng tre, bì bõm lội sình, lẽo đẽo theo tía và anh Ba ngược lên ngọn rạch chỗ thằng Út “đóng quân”, bắt cá, lùa lòng tong, vớt tép, dỡ ổ chà. Sướng nhất là đụng ổ cá lóc, cá chẽm, hè nhau chận hang, thụt lỗ mọi, ví ngách, hò la í ới. Cái khúc bắt tôm mới mê, tha hồ chộp từng con “càng múm”, đầu ôm gạch vàng nghệ, ú nần bao lâu kiến vàng, dừa nướng. Cứ đầy rộng tre, tôi cộ lên bờ, chạy lẹ thả vô vạt lưới (được dừng tứ phía trong mương sàn nước cho tôm khỏi ngợp). Nội cái chuyện chạy sấp chạy ngửa thả tôm, rộng cá cũng muốn ngờ đầu.

Tía lại vấn điếu thuốc rê, bập vài bận đỡ ghiền rồi đâm lo. Con bìm bịp mà kêu rền rền kiểu này, bắt không kịp, nước lớn tràn vào đập là thôi rồi. Coi bộ hơi căng, tía lật đật bụm tay giơ lên miệng, hú cậu Mười Chót, thằng Đực nhà mé trên tiếp sức. Xong đãi nhậu, hốt mớ cá về ăn. Rồi mợ Năm, chị Bé hàng xóm cột cửa, te rẹt qua phụ lựa tôm, ngắt râu tép, lặt đầu lòng tong, hủn hỉn.

Xổ đập cũng có thú vui của nó. Tía hay ra “nghị quyết thi đua”, ai bắt được nhiều tôm, được thưởng một ký loại một, bán lấy tiền xài Tết. Còn ai tóm được nhiều cá lóc, được khúc vải ka-tê may áo lấy le. Riêng thằng Út, nếu chơi tới cùng không chạy, không lấy cớ nhức đầu ngang hông, được nhận thêm “bộ bầu cua cá cọp”, lắc đã đời trong mấy ngày mùng. Có năm thằng Út thắng, nó dúi đầu dúi cổ vào lắc li bì, không thiết chi xuân tàn hoa rụng. Cũng có khi tôi “ẵm giải tôm”, rủng rỉnh mấy đồng, lội bộ ra sân banh ấp, tha hồ dò “con số gì ra”, chơi rượt vịt, coi “mô tô bay” tiền đình quay cuồng choáng váng.

Kỳ nào xổ đập, cũng có màn nướng cá đối giải lao. Canh lúc gần cạn, má ngắt vài lá chanh non, hái bụm ớt hiểm, lấy cán dao đâm thố muối hột thiệt cay. Xách mát vót chặt sống dừa nước làm xiên cá, tỉa vài tàu lá chuối trải lên nền đất. Tiện thể, đẽo 4 khúc cây quao hình thù chữ y cắm xuống, gác cây lên làm giàn, rồi gom củi khô đốt lửa nướng mọi. “Đội trưởng tía” vừa hô nghỉ chút, mọi người leo lên triên rạch, xúm lột vỏ khoai, lủm cá nướng.

Con rạch nước ra vào đối lưu, cá đối sạch trơn mang trứng nung núc. Lấy nhánh cây khô gạt phần cháy đen, thịt cá lộ ra trắng ngần, xé chấm muối ớt, tía khích tướng anh Ba, phải chi có vài ly rượu mía. Thằng Út ngán cá, quay qua chuốt cọng dừa xỏ xâu tép bạc, để lên than củi thơm lựng, đưa răng tước từng con vào mồm, ngon đất trời nghiêng ngửa.

Đập thường yên tĩnh, lại được che chở của dừa nước, mái dầm, tôm càng xanh chui vô sống đời nhàn cư. Xưa không có chuyện xiệt điện trộm, mò cá lén, đập nhà ai cũng an ninh, cá tôm lừ khư. Mỗi lần xổ đập, tép đầy mấy rổ xúc, cá rộng tính bằng khạp xi-măng, tôm càng xanh đơn vị chục ký…

2. Tết vườn ngày trước, đa phần không có thịt kho tàu, dưa hành, củ kiệu, nhưng dư dả lòng tong dốt, tép luộc phơi khô, cá lóc một nắng, nhất là không thể thiếu một ơ tôm càng xanh kho tàu.

Tết nào cũng vậy, đợi lúc cận giao thừa, bà con miệt vườn dỡ rộng tôm đem lột. Tôm lựa cỡ trung, lột sạch, tách mớ gạch để riêng. Ướp tý đường thùng, muối bọt, nước mắm khạp, kho sền sệt với nước dừa rám, xong đổ gạch vào dậy mùi thơm lựng. Tôm săn lại, nằm chò co đỏ au, mặn ngọt hòa quyện. Mâm cỗ được dọn lên bàn thờ cúng ông bà, không thể thiếu dĩa tôm kho tàu, nhúm tép bạc phơi khô, mớ lòng tong chiên giòn, tô canh ngót cá chẽm…

Những năm sau giải phóng, rạch đầy tôm càng xanh. Còn rái cá, kỳ đà, cua đinh, rắn nước nhiều vô phương. Lần hồi, bùn bã bồi lắng, dừa nước xâm lấn, rạch vườn cạn dần. Những con rạch lớn liền canh, liền cư trở thành sở hữu chung, quan niệm “chim trời cá nước” lỗi thời, vì vậy ít ai tự đóng cừ ngăn đập nhử tôm, dụ cá. Hố bom cũng được bơm cát lấp đầy, mở mang điền địa trồng trọt. Đâu đó vẫn còn mương vườn, ngăn đập kiếm cá bắt tôm, nhưng không tràng giang như xưa.

Cho nên, cái không khí chộn rộn đầu trên, xóm dưới xổ đập ăn Tết dường như không còn. Tép phơi khô, lòng tong dốt, cá lóc một nắng… muốn ăn thì đầy ngoài sạp. Những ơ tôm kho tàu đỏ au màu gạch, ẩm thực miệt vườn quên lãng, không còn réo tên. Người ta đến vựa hải sản, ra chợ, hoặc đón vạn chài từ đáy hàng khơi, mua tôm càng xanh về luộc nước dừa, nướng mọi, hấp bia, ăn sống mù tạt, chứ ít ai còn nhớ món tôm kho tàu xổ đập của những cái Tết miệt vườn xa lơ xa lắc…

Theo DANH NGUYỄN (Báo Đồng Khởi)