Nhọc nhằn bám biển mùa dông bão

08/06/2023 - 09:58

Muôn vàn vất vả, gian lao, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng, là những gì mà mọi người thường dùng để diễn tả cuộc sống của ngư dân. Cuộc mưu sinh nơi đầu sóng ấy luôn tất bật những lo toan, nhất là vào mùa mưa bão như hiện nay.

A A

Với khoảng 87 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển từ Ðông sang Tây đã hình thành nên nhiều nghề, nhiều loại hình mưu sinh gắn liền với những con sóng. Ði cùng với đó là muôn ngàn câu chuyện về biển khơi, những nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy của đời đi biển. Thế nhưng, khai thác biển là nghề đã nuôi sống hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh từ bao đời nay. Ðối với họ, “sóng yên, biển lặng” là ước nguyện lớn nhất, đặc biệt là trong mùa mưa bão này.

Sông Ðốc là một trong những nơi neo đậu tránh trú bão của tàu cá trên địa bàn tỉnh.

Dù đã trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết để cảnh báo thời tiết, thiết bị thông tin liên lạc, dụng cụ an toàn cho 2 tàu khai thác của gia đình nhưng lão ngư Nguyễn Văn Phỉnh (thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, Cà Mau) vẫn không thể trút được nỗi lo âu, nhất là vào thời điểm mưa bão này.

“Thời tiết biển không ai biết trước, nói trước được điều gì. Có khi bão, sóng lớn đến rất bất ngờ, đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngư dân, bởi nó chỉ cần xuất hiện vài phút là để lại hệ luỵ vô cùng lớn. Ðây cũng là lý do giải thích cho nghi thức tâm linh truyền thống mà ngư dân không bao giờ quên, đó là trước khi tàu rời bến đều khấn vái, cầu nguyện cho sóng yên, biển lặng”, lão ngư Nguyễn Văn Phỉnh bộc bạch.

Hiện nay toàn tỉnh có rất nhiều phương tiện nhỏ khai thác ven bờ dễ bị tổn thương khi xảy ra gió mạnh, sóng lớn bất ngờ.

Nỗi lo lắng của ông Phỉnh là hoàn toàn có căn cứ khi từ đầu năm đến nay (hiện chỉ mới bước vào đầu mùa mưa), thiên tai đã làm chìm 3 phương tiện, sập 1 đáy hàng khơi. Ðồng thời, xảy ra 14 vụ tai nạn trên biển, làm 6 người chết, 2 người mất tích, chìm 5 tàu cá. Có thể thấy, dù đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị nhưng vẫn có lúc các hiện tượng thời tiết bất ngờ trên biển vẫn khiến họ trắng tay, thậm chí đe doạ tính mạng, nhất là vào thời điểm mưa bão như hiện nay.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện nay vùng biển ngoài khơi từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, độ cao sóng 1.5-3 m, biển động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong một vài ngày tới, ở vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Nam biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2.

Hiện đã vào mùa mưa bão nên ngư dân phải trang bị đầy đủ thiết bị dự báo thời tiết, thông tin liên lạc và các dụng cụ an toàn trước khi ra khơi.

Theo đó, tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển phía Nam đều có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, riêng vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau và Nam biển Ðông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) còn chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Nhằm chủ động ứng phó với vùng áp thấp, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến vùng áp thấp, thông tin kịp thời cho người dân, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng, người canh giữ đáy hàng khơi biết để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Ðồng thời, duy trì thông tin liên lạc để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Nghề biển nhọc nhằn, hiểm nguy là vậy, thậm chí có khi phải đánh đổi cả tính mạng, nhưng ngư dân vẫn quyết tâm bám biển, bởi đối với nhiều người, mưu sinh trên biển đã trở thành cái nghiệp. Chính sự kiên trì, dũng cảm này đã góp phần tạo ra vị thế phát triển kinh tế biển cho tỉnh, không chỉ ở lĩnh vực khai thác thuỷ sản, mà cả công nghiệp cơ khí và chế biến thuỷ sản, vận tải, du lịch...

Theo NGUYỄN PHÚ (Báo Cà Mau)