Khâu tái đàn của người dân gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn cung heo giống và rủi ro dịch bệnh cao.
Có thể nói thị trường heo hơi hiện nay đang rất “màu mỡ”, bởi nguồn cung ít, giá bán lại cao, nhưng người nuôi chưa dám đầu tư. Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, hiện nay đàn heo của tỉnh chỉ mới khôi phục được khoảng 20-30%. Khâu tái đàn phải đối mặt với rất nhiều thách thức và rủi ro. Nguyên nhân do nguồn cung con giống quá khan hiếm và nguy cơ dịch bệnh tái phát. Ông Châu Thành Tiến, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tâm sự: “Rào cản lớn nhất là hiếm nguồn cung và giá bán con giống quá cao. Chưa kể nguy cơ dịch bệnh luôn chực chờ vì dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin phòng và thuốc trị bệnh, rủi ro trong chăn nuôi quá cao”.
Cũng từ đợt dịch, người chăn nuôi thay đổi cách nghĩ, cách làm. Bà con có xu hướng kết hợp nhiều đối tượng vật nuôi để tăng thu nhập, giảm thiệt hại khi có dịch bệnh xuất hiện. Một số hộ bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi đang nuôi các loài vật khác như lươn, ba ba hứa hẹn thu về giá trị kinh tế cao nên chưa có ý định tái đàn heo trở lại.
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Tân, ở xã Long Trị A, huyện Long Mỹ, sau khi chuyển đổi sang nuôi lươn, ông đã dần tích lũy được kinh nghiệm và thấy được giá trị kinh tế cao mà loài này mang lại. Những bỡ ngỡ ban đầu khi chuyển đổi vật nuôi cũng không còn. Sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật cộng với kinh nghiệm học hỏi của bản thân đã giúp ông Tân “chắc tay” hơn với mô hình chăn nuôi mới.
Ông Tân cho hay: “Vẫn cùng đơn vị diện tích, tôi tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi lươn theo hướng an toàn thực phẩm. Nếu so sánh giữa hai đối tượng thì tôi thấy nuôi lươn cho hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro hơn khi nuôi heo. Hiện nay, dù giá heo hơi giữ mức rất cao, nhưng tôi chưa nghĩ đến chuyện tái đàn trở lại”.
Song, do giá heo hơi lúc này rất hấp dẫn nên nhiều trường hợp tái đàn với quy mô lớn nhưng không báo với địa phương và ngành chức năng, điều này làm cho công tác quản lý dịch bệnh gặp khó. Thống kê đầu tháng 6, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh dao động từ 92.000-94.000 đồng/kg. Lượng heo tiêu thụ chủ yếu từ các trang trại lớn trên địa bàn, còn nguồn heo hơi trong tỉnh rất ít. Riêng giá heo con giống trung bình khoảng 3,2-3,4 triệu đồng/con 10kg. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ông Trương Ngọc Trưng nhận định tới thời điểm hiện tại dịch bệnh trên heo đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi có khả năng tái phát bất cứ lúc nào, mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường, bởi bệnh chưa có vắc-xin phòng và thuốc trị.
“Người dân ngại hai chuyện là dịch bệnh và giá con giống cao. Khó nhất vẫn là không có nguồn cung con giống. Đây là tình hình chung cả nước chứ không riêng Hậu Giang. Hiện chỉ có các doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài có con giống nhưng họ chỉ cung cấp trong hệ thống, không cung ra ngoài. Còn các trung tâm giống ở phía Nam lúc này cũng không có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu tái đàn”, ông Trưng cho hay.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Chí Hùng, cho biết: Dịch tả heo châu Phi đã bùng phát ở 21 tỉnh phía Bắc, các tỉnh, thành phía Nam cũng đang nỗ lực quản lý. Tại Hậu Giang, việc tái đàn rất cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng. Ngành nông nghiệp các địa phương phải quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đủ điều kiện mới cho tái đàn và tuyên truyền đến người dân tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Thực trạng hiện nay nguồn heo giống rất hiếm hoi. Trước khi dịch xảy ra, heo nái giống có số lượng trên 18.000 con nhưng hiện chỉ còn trên 7.700 con, giảm gần 70% tổng đàn nái. Số lượng heo đực giống giảm rất nhiều, hiện còn chưa được 100 con. Để góp phần tạo nguồn con giống, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh nhập trên 200 con heo nái. Với đà này, ngành nông nghiệp dự đoán đến giữa năm 2021 mới có khả năng đáp ứng đủ con giống tái đàn.
Theo KỲ ANH (Báo Hậu Giang)