Những ánh mắt trùng khơi

04/01/2024 - 15:04

Gần 10 năm trước, tôi đến xã đảo Thổ Châu, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) lúc xã đảo tiền tiêu này còn thiếu nhiều thứ nhưng giờ Thổ Châu thay đổi mọi mặt.

A A

135356Cán bộ, chiến sĩ đồn BP Thổ Châu tuần tra bảo vệ vùng biển đơn vị phụ trách

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu tuần tra bảo vệ vùng biển. Ảnh. ĐỨC BÌNH 

Năm 1992, tỉnh Kiên Giang vận động 6 hộ dân với gần 30 nhân khẩu ra Thổ Châu lập nghiệp thì nay xã có trên 500 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu. Để xây dựng xã đảo sung túc như bây giờ không thể thiếu những ánh mắt trùng khơi thể hiện quyết tâm của người lính.

Xã Thổ Châu cách TP. Phú Quốc khoảng 100km và cách đất liền nơi gần nhất 220km. Quần đảo này có 8 đảo lớn, nhỏ, trong đó hòn Thổ Châu là trung tâm hành chính của xã, diện tích hơn 14km2, điểm cao nhất 184m so mực nước biển. Dân cư sinh sống chủ yếu trên hòn Thổ Châu, còn các đảo khác hầu như không có nhà dân vì thiếu nước ngọt, diện tích đảo nhỏ. 

Năm 2010, Thiếu tá Trần Hữu Nhiên - Trợ lý Tuyên huấn, Ban Chính trị Trung đoàn 152 tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 và được điều về công tác tại xã đảo Thổ Châu. Từ đây, anh bắt đầu hành trình cống hiến cho xã đảo. 13 năm gắn bó với Thổ Châu, anh Nhiên không nghĩ mình ở đảo lâu như vậy. Tiếp xúc cuộc sống yên bình và lòng dân chân tình, anh càng yêu mến nơi này không nỡ rời xa.

“Năm 2021, tôi cưới vợ là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Năm Căn (Cà Mau). Năm 2022, sau khi sinh con đầu lòng, vợ tôi nghỉ việc ra đảo sống cùng để chồng yên tâm công tác. Hàng ngày, ngoài thời gian công tác, tôi giúp vợ chăm con, trồng rau cải thiện đời sống”, anh Nhiên nói. Ánh mắt anh Nhiên ánh lên hạnh phúc, đó cũng là hạnh phúc của 28 cán bộ Trung đoàn 152 có gia đình sinh sống trên đảo Thổ Châu.

Tôi gặp ánh mắt hạnh phúc của binh nhất Trần Tấn Minh, quê xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Năm 2009, anh Minh nhập ngũ. Quá trình công tác, anh Minh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực tham gia các hoạt động.

Minh kể: “Qua giao lưu, tôi và vợ là cán bộ Đoàn xã Thổ Châu làm quen, tìm hiểu nhau. Sau khi xuất ngũ, chúng tôi tổ chức đám cưới. Thấy điều kiện ở xã đảo phù hợp phát triển kinh tế, vợ chồng tôi quyết định định cư trên đảo. Thời gian đầu, cuộc sống của vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thẻ học nghề bộ đội xuất ngũ, tôi mở tiệm sửa xe, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Giờ con của chúng tôi 11 tuổi, cuộc sống gia đình dần ổn định”. 

1354351

Tiệm sửa xe của anh Trần Tấn Minh trên xã đảo Thổ Châu. Ảnh: KIÊN GIANG

Những ngày trên đảo, tôi gặp anh Nguyễn Minh Luân, trước đây là đội viên Đội K92 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang). Sau khi xuất ngũ, anh Luân cùng các bạn ra Thổ Châu theo tàu đánh cá.

“Những ngày không ra biển, tôi nhớ đất liền đến nỗi uống rượu say ngồi khóc một mình. Mấy tháng sau, tôi quá giang tàu đánh cá vào đất liền. Bạn bè nghĩ tôi đi luôn vì không chịu nổi cảnh chơi vơi ngoài đảo, ai ngờ chưa đầy nửa tháng tôi trở ra đảo, dẫn theo vợ với quyết tâm bám đảo. Giờ tôi xây được nhà, mua được tàu, cuộc sống ổn định”, anh Luân kể, mắt ánh lên niềm tự hào. 

Trên đảo Thổ Châu, tôi gặp ánh mắt khát vọng, giọng nói chắc nịch vọng vang trong gió biển của Trung sĩ Tô Minh Thới - Tiểu đội trưởng Tiểu đội Chỉ huy, Trung đội Chỉ huy, Đại đội pháo 105mm Trung đoàn 152. Trước khi nhập ngũ, Thới tốt nghiệp Trường Cao đẳng FPT chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch và từng đi làm trong một công ty với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Thới chia sẻ: “Ngày mới ra đảo tôi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ quê và những chuyến đi hướng dẫn du lịch. Dần dần, tôi yêu biển, đảo, muốn gắn bó lâu dài với đảo, cống hiến một phần sức trẻ để xây dựng biển, đảo quê hương. Vì vậy, tôi đăng ký chuyển quân nhân chuyên nghiệp để được phục vụ lâu dài trong quân đội và gắn bó ở xã đảo Thổ Châu”.

1354442

Trung sĩ Tô Minh Thới trong ca gác. Ảnh: KIÊN GIANG

Tôi còn gặp ánh mắt cương nghị của binh nhất Nguyễn Hữu Vàng - chiến sĩ Khẩu đội 3, Trung đội 2, Đại đội pháo 85mm Trung đoàn 152. Hữu Vàng vừa xong ca gác gần Bãi Ngự nhưng chưa chịu về, đứng say sưa ngắm mặt biển xanh phẳng lặng.

Hữu Vàng chỉ tôi hòn đảo trước mặt, nói: “Đó là Hòn Nhạn, nơi đặt cột mốc A1 đánh dấu đường cơ sở quy định chiều rộng vùng lãnh hải nước ta ở phía tây nam. Xa hơn, những tàu hàng các nước đang ngược xuôi trên đường biển quốc tế mà không cần ống nhòm vẫn có thể thấy rõ”. 

Nghe những điều Hữu Vàng nói, tôi phần nào hiểu niềm tự hào của người lính trẻ khi được giao nhiệm vụ canh giữ biển, đảo quê hương. Như bao người lính trẻ khác, khi rời quê xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) ra đảo, Hữu Vàng cũng nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng tình yêu biển, đảo và tình đồng đội giúp người chiến sĩ trẻ nhanh thích nghi, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Vàng nói: “Mai mốt xong nghĩa vụ, nếu có cơ hội tôi vẫn muốn được ở lại đảo”. Giọng Hữu Vàng chắc nịch, vang vọng trong gió biển, ánh mắt cương nghị và chân thành. Nhìn ánh mắt đó, tôi tin tình yêu biển, đảo sâu sắc trong trái tim Hữu Vàng.

Những ngày rong ruổi ở Thổ Châu, tôi gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người, ai cũng nhiệt tình, cởi mở như tôi thuộc về nơi này từ lâu. Người ta bảo mấy chục năm nay luôn như vậy, người dân trên đảo và những chiến sĩ canh giữ biển luôn tận tâm và mến khách. Hòn đảo như mái nhà chung, quân, dân sống chan hòa, tương thân tương ái... Đó là nguyên nhân khiến nhiều chiến sĩ dù hoàn thành nghĩa vụ vẫn chọn Thổ Châu để gắn bó cuộc đời, lập gia đình rồi định cư. 

Tôi rời Thổ Châu nhưng luôn nhớ ánh mắt hạnh phúc của Hữu Nhiên; tự hào trước thành quả của Tấn Minh, Minh Luân; càng không quên khát vọng của Minh Thới và thiết tha của Hữu Vàng. Có rất nhiều ánh mắt đang trìu mến nhìn hòn đảo này để thương yêu, son sắt một lòng, quyết tâm gắn bó, gìn giữ. Mai mốt sẽ là ánh mắt trong vắt của các thế hệ tiếp nối viết những trang mới cho xã đảo Thổ Châu.

Theo KIÊN GIANG - CHÍ HÙNG (Báo Kiên Giang)