Thương binh Huỳnh Văn Khen làm giàu từ cây quýt đường

Thương binh Huỳnh Văn Khen.
Những năm qua, người dân ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long luôn noi theo thương binh Huỳnh Văn Khen, sinh năm 1951, không chỉ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, còn chăm lo tốt gia đình.
Ông Khen cho biết: sau khi rời quân ngũ trở về quê hương với thương tật 3/4, xây dựng cuộc sống gia đình. Thời gian đầu lập nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bởi mãnh đất cha mẹ cho lúc ấy là vùng đất hoang vu, sông ngòi chằng chịt, chủ yếu là rừng tạp,… với sức trẻ và lòng quyết tâm đổi đời, vươn lên làm giàu, ông đã khai phá đất rừng xây dựng nhà ở, trồng lúa, trồng dừa và cây ăn trái. Quýt đường là một trong những cây trồng chủ lực, đã góp phần nâng dần mức sống của gia đình ngày càng khấm khá. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình của ông hiện nay phát triển.
Theo ông Khen, sau quá trình nghiên cứu, ông nhận thấy quýt đường là cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và thổ nhưỡng. Trong quá trình trồng và chăm sóc, ngoài áp dụng khoa học - kỹ thuật, phải sẵn sàng nguồn nước tưới đảm bảo. Để đỡ nước tưới cho cây quýt cũng như giúp cây quen với thời tiết mát mẽ, cây bén rễ sinh trưởng nhanh và trái say nên hàng năm, ông bồi thêm đất phù sa ở ven sông vào gốc cây quýt. Tuy quýt đường là cây dễ tính, có thể phát triển vào mọi thời điểm trong năm, thời tiết lạnh hoặc nóng bức, nhưng nếu chăm sóc tốt, bổ sung dinh dưỡng cho cây quýt đường như cung cấp đủ phân bón, nước tưới.
Ngoài ra, người trồng bỏ công tưới nước thường xuyên vào những tháng nắng nóng và bón đúng đủ phân bón để bổ sung dinh dưỡng cho cây quýt phát triển. Quýt đường từ lúc trồng cho đến thu hoạch kéo dài khoảng 07 - 08 năm kết thúc, nếu chăm sóc tốt, cây quýt đường kéo dài tuổi thọ trên 10 năm. Từ khi chuyển đổi sang trồng quýt đường đến nay, gia đình ông đã cải tạo đất trồng 04 lần, mỗi lần từ 08 - 10 năm kết thúc. Với 1,5ha quýt đường hiện nay của gia đình đang cho thu hoạch, bình quân năng suất đạt 10 tấn/ha/năm, giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Khen còn chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân trong ấp cùng vươn lên làm giàu. Với sự đóng góp đó, ông Khen nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chuyên khá lên nhờ trồng màu kết hợp chăn nuôi

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chuyên.
Sau 03 năm tham gia chiến đấu ở chiến Tây - Nam, khi trở về quê hương ấp Cẩm Hương, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang vào năm 1992 và lập gia đình xây dựng cuộc sống mới, hội viên cựu chiến binh Nguyễn Văn Chuyên, 51 tuổi với mong muốn phát triển mô hình nuôi bò sinh sản và trồng màu để thúc đẩy kinh tế gia đình. Sau nhiều năm cần cù, lao động, thành quả thu về là 04 con bò hiện đang có chửa và 2.500m2 đất trồng rẫy với nguồn lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Chuyên chia sẻ: sau khi hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, ông trở về quê hương lập gia đình và tập trung phát triển kinh tế với 1.000m2 đất cha mẹ cho lúc ra riêng. Ban đầu ông trồng độc canh cây lúa, nhưng làm lúa không đủ nuôi sống gia đình. Sau nhiều năm tìm hiểu, ông nhận thấy trồng màu tuy không nhanh làm giàu nhưng có nguồn thu nhập ổn định. Từ đó, ông quyết định chuyển diện tích đất trồng 01 vụ lúa sang trồng 01 vụ lúa - 03 vụ màu (khổ qua, cà tím, đậu phộng, củ cải). Tận dụng những phụ phẩm sau thu hoạch ông nuôi bò sinh sản. Cùng thời gian này, gia đình ông được Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ vốn vay 25 triệu đồng giúp gia đình giảm chi phí khi đầu tư con giống.
Đối với trồng màu, cây đậu phộng là cây trồng lựa chọn hàng năm, được trồng vào vụ đông - xuân vừa có giá bán ổn định, vừa có phụ phẩm cây đậu phục vụ chăn nuôi, kết thúc vụ đậu phộng ông trồng xoay vòng các loại cây ngắn ngày như củ cải, cà tím, khổ qua. Trong các loại cây màu, ông chuộng nhất là củ cải trắng và cà tím, bởi 02 loại cây trồng này, vốn đầu tư thấp, lợi nhuận cao, thời gian ngắn, chủ động đất xoay trồng nhiều vụ trong năm. Mỗi vụ thu hoạch, ông đạt lợi nhuận 10 - 12 triệu đồng/1.000m2. Nhờ siêng năng chịu khó nên ông tích lũy được vốn mua thêm 1.500m2 đất để mở rộng diện tích đất trồng màu. Vụ màu Tết năm nay, ông quyết định trồng cây cà tím với hy vọng được mùa bội thu. Theo kinh nghiệm của ông Chuyên, cà tím trồng vào dịp cuối năm thời gian thu hoạch kéo dài sang sau Tết, nhẹ công chăm sóc và thu hoạch, bán được giá cao.
Không chỉ dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, ông Chuyên còn tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương; tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hội viên cựu chiến binh trong ấp giúp hội viên vươn lên cùng phát triển kinh tế gia đình.
Theo MẪN QUÂN (Báo Trà Vinh)