Trong những hiện vật đang lưu giữ, có nhiều hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ kính yêu được các cán bộ, chiến sĩ cách mạng lưu giữ suốt trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Đây là những kỷ vật thiêng liêng mà mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn mang bên mình và xem như là những báu vật để hướng về Đảng, về Bác, quyết tâm chiến đấu đến ngày thắng lợi, thống nhất Tổ quốc.
Tập ảnh về hoạt động của Bác Hồ từ năm 1920 - 1969 gồm 31 ảnh, được đồng chí Nguyễn Văn Tám, là cán bộ hoạt động cách mạng tại huyện Gò Công Tây gìn giữ, đến năm 2001 trao tặng lại cho Bảo tàng tỉnh. Theo hồ sơ ghi chép hiện vật: Năm 1968 - 1969, thực hiện Lời kêu gọi ủng hộ cách mạng đóng thuế đảm phụ nuôi quân, do đạt được 3 tiêu chí “Chí cốt cách mạng; Gia đình cách mạng; Gia đình, bản thân và vận động tốt mọi người đóng thuế đảm phụ” nên đồng chí được Nông hội huyện Gò Công Tây tặng Giấy khen và tập ảnh Bác Hồ.
Tập ảnh “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!” do Việt Nam Thông tấn xã xuất bản lần thứ nhất - năm 1970, được đồng chí Phạm Văn Tổng (phường 3, TX. Gò Công) lưu giữ. Đồng chí tham gia cách mạng năm 1960, thuộc Công an miền Nam. Năm 1973, đồng chí được tặng tập ảnh về Bác và luôn giữ bên mình làm kỷ vật trong thời gian hoạt động cách mạng, cho đến khi tặng lại cho Bảo tàng tỉnh.
Ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Môn cất giữ trong quá trình hoạt động cách mạng tại xã Nhị Bình (huyện Châu Thành) từ năm 1970. Tấm ảnh chân dung Bác Hồ được đồng chí xem như là “Tấm bùa hộ mệnh”, là động lực hỗ trợ tinh thần cho đồng chí tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ trong quá trình hoạt động cách mạng.
Di chúc của Hồ Chủ tịch do tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) tặng cho đồng chí Nguyễn Văn Hồng (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè), là cán bộ chính trị Tỉnh đội vào năm 1969 và đồng chí Trần Văn Đức (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), được Ban Chánh trị E2 cấp vào năm 1969 khi đang công tác tại đơn vị Tiểu đoàn 514. Trong suốt thời gian công tác, 2 đồng chí xem bản Di chúc của Bác như là kỷ vật thiêng liêng và gìn giữ cẩn thận cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Băng tang do Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cấp phát cho đồng chí Trần Ngọc Khải Hoàn (phường 6, TP. Mỹ Tho) để tang Bác Hồ vào ngày 2-9-1969 tại chiến khu R, tỉnh Tây Ninh. Để tưởng nhớ về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đồng chí Khải Hoàn đã cất giữ băng tang này bên mình trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng và đã tặng lại cho Bảo tàng tỉnh.
Theo NGUYỄN MẠNH THẮNG (Báo Ấp Bắc)