Những người phụ nữ đam mê xây cầu nhân ái, nối nhịp đôi bờ

29/06/2021 - 14:11

Là nữ giới “chân yếu tay mềm”, những người phụ nữ ở đất Sen hồng Đồng Tháp, mặc dù ở độ tuổi 60 – 70 nhưng hằng ngày vẫn không nề hà, “ghé vai” gánh vác những công việc thường do các bậc mày râu đảm trách là xây cầu, làm đường.

A A

Đối với họ, công tác thiện nguyện làm nên những chiếc cầu nhân ái kết nối đôi bờ, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, đã thấm vào máu, góp phần để bộ mặt quê hương  thêm khởi sắc, giao thông ngày càng thuận lợi.

Bà Phạm Thị Liên (60 tuổi) miệt mài cùng đội thi công cầu đường thiện nguyện số 6 huyện Thanh Bình thi công cầu nông thôn ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp khóa II, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ở tuổi 60, bà Phạm Thị Liên, ngụ ấp 6, Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh) vẫn “mê” công tác tham gia từ thiện. Bà Liên chia sẻ, Đồng Tháp là tỉnh có nhiều kênh rạch, sông nước, đi đến những vùng quê, thấy những cầu tạm bợ bắc qua kênh, bà chỉ mong ước được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông chắc chắn, giúp giao thông ngày càng thuận lợi để bà con đi lại, giao thương được dễ dàng hơn. Từ năm 2000, bà Liên đã bắt đầu vận động ủng hộ thiện nguyện xây cầu. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm bà vận động xây mới khoảng 10 cây cầu nông thôn kiên cố.

Những ngày cuối tháng 6/2021, theo chân bà Liên, chúng tôi đến ấp 5, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, để cùng 12 thành viên trong đội thi công cầu đường thiện nguyện số 6, huyện Thanh Bình, khởi công xây dựng cầu kênh Cống Kho. Tại công trường, những người đàn ông chia nhau vận chuyển cát, đá, bẻ sắt, trộn bê-tông... Bà Liên cũng xắn tay áo, cùng vào việc với các anh em. Giữa cái nắng miền Tây, bà động viên mọi người bền chí, đồng lòng cùng đi bắc những nhịp cầu nhân ái. Dù mới khởi công, nhưng người dân ấp 5 ai cũng phấn khởi khi trong tháng 9 sắp tới, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng sẽ sớm được thay thế bằng cây cầu bê tông rộng 3,5 mét, dài 22 mét, trọng tải 5 tấn.

Bác sỹ, cựu chiến binh Tống Thanh Mai (72 tuổi) cùng đội thi công cầu đường thiện nguyện số 2 thành phố Sa Đéc thi công cầu nông thôn ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

Được mệnh danh là “bà đỡ” của khoảng 300 cây cầu nông thôn trong suốt 15 năm qua, bác sỹ - cựu chiến binh Tống Thanh Mai (được gọi là bà Tám Mai, 72 tuổi) trở thành một trong những “cánh chim đầu đàn” trong phong trào vận động xây dựng cầu đường nông thôn của tỉnh Đồng Tháp nói chung, thành phố Sa Đéc nói riêng. Về hưu năm 2005, trăn trở với hình ảnh người dân gặp khó khăn do cách trở đò giang, bà Tám Mai bắt tay vào xây cầu nông thôn với số tiền dành dụm được  khoảng 500 triệu đồng. Thấy việc làm ý nghĩa của bà, nhiều bạn bè, đồng đội cũ và các nhà hảo tâm đã nhiệt tình ủng hộ. Nhiều cây cầu mới giá trị từ 120 - 400 triệu đồng liên tiếp được xây ở khắp các vùng nông thôn của tỉnh Đồng Tháp như Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành…

Tuy tuổi đã cao nhưng bà Tám Mai vẫn tận tụy, nhiệt huyết với công tác từ thiện. Thấy nơi nào còn cầu tre, bắc ván tạm bợ, bà lại lặn lội đi khảo sát, dự trù kinh phí, rồi vận động các nhà hảo tâm đóng góp, Nhà nước hỗ trợ, rồi đưa lực lượng đến thi công miễn phí, thậm chí khi thiếu kinh phí thì bà sẵn sàng bỏ tiền túi ra để làm. “Bà đỡ” cầu nông thôn Tống Thanh Mai bộc bạch, công tác vận động kinh phí phải luôn công khai, minh bạch về tài chính, phải đặt uy tín lên hàng đầu, nhất là đối với các đơn vị tài trợ. Ngoài ra, cách “đối nhân xử thế” phải tạo ra sự gắn kết tình anh em trong tổ xây dựng cầu đường từ thiện. Vì vậy, ngày càng có đông người tham gia và đã có khoảng 60 tình nguyện viên tham gia xuyên suốt cùng cô Tám Mai rong ruổi, nối nhịp đôi bờ cho người dân.

Hiện tại, ngoài việc tích cực đi vận động kinh phí xây dựng cầu đường, bà Tám Mai luôn theo sát để giám sát kỹ thuật. Bà Mai chia sẻ, để công việc trôi chảy và chất lượng hơn, bản thân đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các tư liệu có liên quan về xây dựng, nắm bắt các yếu tố cơ bản về chuyên môn. Theo bà, khi hiểu về kết cấu, cách thức thực hiện, phân công lao động hợp lý thì sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, nhưng đảm bảo chất lượng theo đúng quy cách.

Bà Phạm Thị Liên, ngụ ấp 6, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp (bìa trái) nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Hải Quân, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp thông tin, trong giai đoạn 2013 - 2020, Đồng Tháp đã thành lập 4 Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường huyện Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười, Tam Nông và một Chi hội thành phố Sa Đéc, với 1.177 hội viên; thành lập 13 Đội thi công cầu, đường từ thiện xã hội với 358 tình nguyện viên. Thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã góp phần phát triển giao thông nông thôn, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là xây dựng mới 1.165 cầu nông thôn với tổng chiều dài hơn 30,6 km, giá trị trên 371 tỷ đồng; xây dựng mới, sửa chữa hơn 532 km đường giao thông nông thôn, tổng giá trị hơn 304 tỷ đồng, trong đó vận động ủng hộ hơn 245 tỷ đồng, người dân địa phương đóng góp 121 tỷ đồng và hơn 272 ngàn ngày công lao động,…

Trong 8 năm qua, tại tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, mang lại niềm vui cho nhân dân. Trong đó, hình ảnh những người phụ nữ tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, nhiệt tình vận động, tổ chức thi công như chị Mai, chị Liên cùng nhiều tấm gương khác… đã trở thành điểm sáng cho tinh thần cống hiến vì xã hội. Những người phụ nữ ấy giản dị, chất phác, nhưng rất phi thường, với tấm lòng từ thiện, sáng trong đã chung tay, chung sức, góp phần hình thành hàng nghìn cây cầu giao thông kiên cố, vì sự phát triển của quê hương.

Theo CHƯƠNG ĐÀI (TTXVN)