Những người trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng

17/06/2024 - 15:24

Những năm qua, công tác trồng, chăm sóc và giao khoán bảo vệ rừng tại các địa phương vùng ven biển như huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải... (tỉnh Trà Vinh) phát triển rất mạnh, góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, giảm thiểu các tác động trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) gây sạt lở tại các vùng ven biển, ven cửa sông và bảo vệ tính ổn định môi trường trong nuôi, khai thác thủy sản...

A A

Rừng bần xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang ngày nay không ngừng lấn biển qua những bàn tay vun trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

 

Có thể nói, với những kết quả đạt được chính là nhờ những đóng góp không nhỏ về công sức, sự nhiệt tình và ý thức trách nhiệm của người dân vùng ven biển qua những người chung tay vun trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Anh Trần Minh Hùng, Tổ trưởng Tổ trồng rừng ở ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang là 01 trong 20 thành viên tham gia trồng rừng cho các dự án, các Tổ chức phi chính phủ triển khai trồng rừng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Với hơn 25 năm tham gia vào công việc vừa trồng rừng, vừa nhận giao khoán bảo vệ rừng cho Chi cục Kiểm lâm của tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh); anh Trần Minh Hùng chia sẻ: những năm đầu mới tham gia (khoảng năm 1997 - 1998), khu vực rừng bần ở ven biển Mỹ Long Nam có độ rộng tán rừng lấn ra biển khoảng vài trăm mét. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, chiều dài của tán rừng bần lấn biển kéo dài hơn 10km, đi qua các xã Mỹ Long Bắc - thị trấn Mỹ Long - Mỹ Long Nam và độ rộng tán rừng từ 0,8 - 01km; hiện không còn sạt lở hay xâm thực từ biển vào bờ…

Cũng theo anh Trần Minh Hùng, trung bình hàng năm, tôi tham gia trồng từ 03 - 05ha rừng. Hiện gia đình được Nhà nước giao khoán để bảo vệ 20ha rừng bần tại xã Mỹ Long Nam. Với công việc theo dõi, quản lý, chăm sóc sự phát triển của diện tích rừng; gia đình còn được hỗ trợ kinh phí bảo vệ nhận giao khoán rừng (500.000 đồng/ha/năm) và khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng; khai thác mật ong rừng… Hiện nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng khá phong phú, tạo thêm nguồn thu cho gia đình (khoảng 50 triệu đồng/20ha/năm).

Bên cạnh những tấm gương tích cực trong công tác nhận giao khoán bảo vệ rừng; nhiều nông dân vùng nuôi thủy sản ven biển còn tự đầu tư nguồn vốn mua cây giống hoặc ươm cây giống để nhân rộng cây rừng trong khuôn viên ao nuôi thủy sản của gia đình. Qua đó, đã tác động tích cực trong việc làm gia tăng tỷ lệ độ che phủ của rừng sản xuất và hạn chế tác động tiêu cực do BĐKH và tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước trong nuôi thủy sản…

 

 

Tính đến cuối năm 2023, diện tích rừng trên địa bàn Trà Vinh khoảng 9.620ha (chủ yếu rừng ngập mặn, chiếm 92,8% diện tích, tương đương 8.928ha). Đạt độ che phủ rừng là 4,10%.

Trong đó, diện tích rừng phòng hộ 5.404ha, rừng sản xuất 3.791ha và diện tích rừng ngoài quy hoạch 425ha. Diện tích rừng được khoán bảo vệ là 3.348,74ha.

Anh Nguyễn Chúc Linh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải cho biết: gia đình có hơn 03ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến. Qua thực tế, cho thấy nếu để vuông tôm trống trải, nắng nóng làm gia tăng nhiệt độ trong ao… từ đó, tôm nuôi bị ảnh hưởng, không có nơi trú nóng và môi trường dễ ô nhiễm. Nên từ năm 2011, gia đình bắt đầu trồng xen cây đước vào vuông nuôi thủy sản được 0,3ha; sau hơn 10 năm tiếp tục trồng thêm cây rừng (theo hình thức trồng thưa, không tập trung), đến cuối năm 2023, diện tích vuông nuôi có cây rừng được 0,7/03ha.

Cũng theo anh Nguyễn Chúc Linh, từ khi có cây rừng (đước), thủy sản (tôm, cua biển, cá đối…) thả nuôi trong vuông phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại ổn định, hàng năm gia đình thu vào trên 100 triệu đồng.

Theo HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)