Những nông dân hào sảng hiến đất để làm đường

31/10/2023 - 14:42

Hơn ai hết, nông dân hiểu rõ giá trị 'tấc đất tấc vàng'. Thế nhưng, vì lợi ích chung, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An sẵn sàng hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT), cùng địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thay đổi diện mạo quê hương.

1. Những năm qua, nhờ được tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt chi hội, ông Trần Văn Trừ (ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) hiểu được ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và nhận thấy cần sự chung tay, đóng góp của cộng đồng để thực hiện thành công chương trình này. Do đó, gia đình ông Trừ tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.

Đối với phong trào hiến đất làm đường GTNT, ông Trừ nhớ lại: “Năm 2010, khi nhiều người vẫn còn e dè, chưa hiểu được lợi ích chung của việc hiến đất làm đường, gia đình tôi đã tiên phong hiến đất. Bởi tôi biết rõ, hiến đất không có nghĩa là mất đất mà đem lại nhiều lợi ích. Mọi người thấy tôi nhiệt tình như vậy cũng làm theo”.

Ông Trần Văn Trừ (ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) hiến trên 1.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn

Ông Trần Văn Trừ (ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) hiến trên 1.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn

Từ năm 2010 đến nay, ông Trừ đã hiến trên 1.000m2, khi thì đoạn đường đi qua vườn và nhà, khi thì qua vị trí đất ruộng. Những việc làm của ông Trừ là động lực để phong trào hiến đất làm đường ở ấp Nhựt Long, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ được lan tỏa.

Nhắc đến gia đình ông Trần Văn Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ - Nguyễn Hoàng Dực nhận xét: Việc làm ý nghĩa của ông Trừ và một số hộ dân ở xã Nhựt Ninh tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từ đó các hộ gia đình hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của việc làm đường GTNT nên tự nguyện góp công sức, hiến một phần đất mà không hề tính toán thiệt hơn. Từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, hệ thống GTNT trên địa bàn xã từng bước được hoàn thiện, diện mạo nông thôn nhờ đó đổi thay từng ngày.

2. Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh - Nguyễn Quốc Thuận chúng tôi đến nhà ông Phan Văn Toàn (ấp Đá Biên, xã Kiến Bình). Ông Toàn sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tiền Giang, sau đó đến xã Kiến Bình mua đất để lập nghiệp, đến nay đã hơn 30 năm. Với trên 2ha đất gồm nhà và ruộng, thế nhưng ông đã hiến gần 600m2 để làm đường GTNT và cống ngăn mặn.

Ông Phan Văn Toàn (ấp Đá Biên, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) là nông dân điển hình trong hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở địa phương

Ông Toàn cho biết: “Trước đây, việc đi lại và tiêu thụ nông sản của người dân rất khó khăn do đường nhỏ, hẹp, nhiều chỗ cua gấp. Do đó, tôi bàn với gia đình và quyết định hiến đất để làm con đường rộng hơn cho người dân đi lại thuận tiện và an toàn. Đất thì ai cũng quý nhưng nếu hiến mà giúp nhiều người được hưởng lợi thì đây là một việc nên làm”.

Con đường đất chỉ rộng trên 1m nay được bêtông hóa, rộng trên 3m. Việc đi lại cũng như tiêu thụ nông sản của người dân đã dễ dàng. Không chỉ tham gia hiến đất, ông Toàn cùng gia đình còn góp ngày công lao động để san lấp mặt đường.

Chưa dừng lại ở đó, để cùng địa phương chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, ông Toàn hiến thêm một phần đất để thực hiện công trình cống ngăn mặn kênh C8. “Những năm hạn, mặn xâm nhập sâu như năm 2015-2016 và 2019-2020, các diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, khi được địa phương vận động, tôi quyết định hiến thêm đất để xây cống ngăn mặn, bảo vệ thành quả sản xuất của người dân địa phương” - ông Toàn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quốc Thuận thông tin: Trong mỗi cuộc sinh hoạt chi hội, ông Toàn đề xuất nhiều ý kiến, cách làm để hỗ trợ những hội viên còn khó khăn. Hiến đất làm đường cũng vậy, ông luôn gương mẫu, đi đầu. Nhờ có sự vận động, góp công, góp sức của ông Toàn mà những năm gần đây, diện mạo ấp Đá Biên nói riêng và xã Kiến Bình nói chung ngày càng khởi sắc.

3. Ông Nguyễn Văn Tâm (ấp Láng Đao, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) từng là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Sau ngày rời quân ngũ trở về địa phương, ông sống có trách nhiệm với xã hội, chí thú làm ăn nuôi 3 người con. Cùng với làm nông, hơn 20 năm qua, vợ chồng ông còn tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Con đường giao thông nông thôn do ông Nguyễn Văn Tâm (ấp Láng Đao, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) hiến đất giúp người dân địa phương đi lại và vận chuyển nông sản thuận lợi hơn

Ông Tâm luôn có mặt và là người đi đầu trong phong trào hiến đất, đóng góp làm cầu, đường giao thông, xây dựng NTM. Ông xác định, bản thân, gia đình phải tích cực, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, cuộc vận động. Vì thế, nhiều công trình thực hiện ở ấp, gia đình ông đều góp công, tiền, gần đây nhất là hiến đất làm đường GTNT.

Dẫn chúng tôi đến con đường đá đỏ rộng trên 4m, được ông Tâm tự tay trồng hoa dọc 2 bên đường, thật khó để biết chỉ hơn 7 năm trước, con đường này chưa từng tồn tại. Ông Tâm cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của người dân, gia đình tôi hiến 3.500m2 đất để làm đường GTNT nối liền đường ấp Láng Đao (cặp kênh Cái Cỏ) đến đường tuần tra biên giới. “Ở vùng biên giới và thường xuyên ngập lũ này, không có cầu, đường giao thông thì rất vất vả. Vì vậy, khi được chính quyền vận động, gia đình tôi tình nguyện đi đầu hiến đất để có con đường. Không chỉ vì người dân mà khi có con đường, chính gia đình tôi cũng đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng hơn” - ông Tâm bộc bạch.

Những tấm gương như ông Trừ, ông Toàn và ông Tâm vẫn đang ngày ngày hăng say lao động, tích cực tham gia cùng địa phương xây dựng NTM. Những hành động đẹp, việc làm ý nghĩa của những nông dân ấy đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh./.

Theo MINH TUỆ (Báo Long An)