Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, người có nhiều tâm huyết với văn học trẻ, chia sẻ tại tọa đàm.
“Cá linh đi học” (NXB Kim Đồng) là tác phẩm văn học thiếu nhi nổi bật trong năm 2023 của tác giả Lê Quang Trạng, sinh năm 1996, ở An Giang. Bối cảnh truyện bắt đầu từ việc hằng năm, từ Biển Hồ mênh mông, từng đàn cá linh non sẽ bắt đầu cuộc du thủy về hạ lưu. Đó là chuyến phiêu lưu để học hỏi và khôn lớn. Khi đã trưởng thành, các chú cá linh lại từ giã đồng ruộng hạ lưu, ra sông để trở về Biển Hồ. Suốt hàng ngàn năm qua, bất kể thời tiết, dòng chảy có thay đổi, nhà cá linh vẫn luôn đúng hẹn. Trong đó, Lê Quang Trạng kể về một chuyến du thủy như thế của chú cá có tên Linh Ống. Vượt qua biết bao chông gai, hiểm trở, để rồi khi “tốt nghiệp” trở về quê hương, chú cá Linh Ống trẻ thơ ngày nào đã trưởng thành, hiểu biết, mạnh mẽ và giàu yêu thương.
Cách hành văn mạch lạc, duyên dáng, cuốn hút, phong vị đặc sệt miền Tây, “Cá linh đi học” trở thành hiện tượng của văn học thiếu nhi. Và không ngoài mong đợi, đây là 1 trong 6 tác phẩm được nhận Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023. Đã rất lâu rồi, kể từ khi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được nhận giải thưởng này với tác phẩm “Cánh đồng bất tận”, thì nhà văn Lê Quang Trạng lại hiện thực hóa ước mơ vươn xa của văn học đồng bằng.
Cũng trong đợt cuối năm 2023, Hội Nhà văn Việt Nam công bố kết nạp 66 hội viên mới, trong đó khu vực ĐBSCL có 6 tác giả. 2 cây bút trẻ đất An Giang là Trương Chí Hùng và Vĩnh Thông cùng với cây bút trẻ đến từ Miệt Thứ là Nguyễn Chí Ngoan vinh dự trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu như Nguyễn Chí Hùng nổi bật với thể loại bút ký văn học, từng đoạt giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL; thì Vĩnh Thông viết khá đa dạng, từ văn xuôi, thơ đến khảo cứu, nhưng thế mạnh của anh vẫn là thơ.
Còn với Nguyễn Chí Ngoan, sở trường của anh là văn học thiếu nhi. Nhiều tác phẩm của anh ghi dấu ấn trong văn đàn, mới nhất là “Căn cứ U Minh” rất đặc sắc. Theo nhà văn Nguyễn Chí Ngoan, là người viết, anh cũng là người đọc. Vì vậy, anh thường hăm hở trước một cuốn sách khi nó gợi được những liên tưởng đẹp đẽ, những chi tiết hóm hỉnh, một bài học thú vị hay những trải nghiệm chưa từng có được ở vùng đất mình đang sống. Anh nghĩ, đó là những thứ độc giả cảm thấy thích thú và cũng là điều anh đeo đuổi qua những trang viết.
Những năm gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam có chủ trương trẻ hóa hội viên và nhiều gương mặt trẻ, rất trẻ của văn học ĐBSCL đã được “gọi tên”. Trước đó là Lê Quang Trạng, sau là Vĩnh Thông, Nguyễn Chí Ngoan... lần lượt trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là lực lượng kế thừa đáng tin cậy, “tre già măng mọc”.
Năm qua ở ĐBSCL cũng có nhiều hoạt động văn học hướng đến người viết trẻ. Mới đây, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh An Giang đã tổ chức ra mắt các tác phẩm văn học trẻ. Đó là tuyển tập 50 cây bút trẻ An Giang (tập hợp sáng tác của các cây bút dưới 35 tuổi), tuyển tập văn thơ của Bút nhóm Nắng Thủy Tinh và tác phẩm của 2 tác giả: Huỳnh Ngọc Phước (sinh năm 1996), Võ Đăng Khoa (sinh năm 2001). Sự kiện lại lần nữa cho thấy An Giang là vùng đất nhiều tài năng văn chương.
Trước đó, Hội Nhà văn TP Cần Thơ phối hợp Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức tọa đàm về tác giả trẻ ĐBSCL. Câu chuyện trợ lực, tiếp sức để người viết trẻ theo đuổi đến cùng giấc mơ văn chương, cống hiến nhiều tác phẩm giá trị được bàn thảo sôi động, với trách nhiệm của những người đi trước.
Theo DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)