Những vườn cây ăn trái xum xuê
Ở khu vực chân núi Phụng Hoàng Sơn, nổi tiếng nhất là vườn mãng cầu ta (giống Tây Ninh) rộng 16 công của ông Trần Văn Chinh (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô). Đây là vườn đồi đất dốc “số 1” ven chân núi Cô Tô và đạt hiệu quả kinh tế khá, hàng năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Ông Trần Văn Chinh cho biết, mãng cầu ta rụng hết lá vào mùa khô, khi cơn mưa đầu mùa xuất hiện vào tháng 3, 4 (âm lịch) là lúc mãng cầu ta thay lá, ra bông, mùa thu hoạch trái sau đó 3 tháng. Vì vậy, mùa mãng cầu ta bắt đầu từ tháng 6 và hết trái vào cuối tháng 7 (âm lịch). “Hiện nay, mãng cầu đang chuẩn bị cho thu hoạch trái. Năm nay do tình hình thời tiết nắng nhiều nên trọng lượng trái hơi nhỏ, ảnh hưởng tới năng suất rất lớn. Song, bù vào đó sản lượng tăng lên, nhờ tất cả cây đều cho trái tốt” - ông Chinh chia sẻ.
Vườn mãng cầu của ông Trần Văn Chinh
Mảnh vườn 6 công đang trồng mãng cầu xiêm trên núi Cô Tô của ông Trần Văn Sơn những năm qua đều cho kết quả khả quan, năng suất tương đối tốt, bán được giá cao. Ông Sơn cho biết, vườn mãng cầu xiêm đạt năng suất cao, do chủ động nguồn nước tưới vào mùa khô nên cây phát triển, ra hoa và kết trái đạt yêu cầu. Bên cạnh mãng cầu, các loại cây ăn trái khác như: sầu riêng, bưởi, dâu… được nông dân địa phương phát triển để tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay, sầu riêng được người dân bán với giá 80.000 đồng/kg, bưởi từ 40.000-60.000 đồng/kg (tùy theo loại).
Có thể nói, trái cây miền núi phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên, không sử dụng phân bón hay thuốc hóa học nên đây là trái cây sạch, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ.
Phụ thuộc vào tự nhiên
Những mô hình trồng cây ăn trái trên vườn đồi của bà con nông dân khu vực núi Cô Tô những năm qua không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà còn cho lợi ích nhiều mặt về môi trường, cảnh quan, thu hút đông đảo du khách đến tham quan du lịch và thưởng thức đặc sản trái cây nơi đây. Theo đánh giá của du khách, so với trái cây ở nhiều địa phương khác, trái cây xứ núi tuy có màu sắc, hình dạng không bắt mắt nhưng có vị ngon, ngọt tự nhiên.
Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên các loại trái cây của nông dân vùng núi Cô Tô sinh trưởng và phát triển khá tốt, cây ít bị sâu bệnh phá hoại nên sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật, thêm vào đó là hương vị đặc biệt nên các loại trái cây được nhiều du khách gần xa lựa chọn trong những chuyến du lịch. Tuy nhiên, những năm gần đây, các vườn trái cây trên khu vực núi Cô Tô gặp nhiều khó khăn trong quá trình canh tác, chủ yếu do thời tiết biến đổi thất thường, dịch bệnh gây hại thường xuyên… Anh Nguyễn Văn Mướp (khu vực điện Chư Vị) cho biết, năm nay nhiều vườn dâu của bà con bị mất trắng, còn một vài hộ có thể thu hoạch nhưng năng suất đạt được khá thấp. Nguyên nhân được anh Mướp cho biết là trong thời điểm cây đang ra hoa, cho trái thì gặp sương muối gây hại nên bị thất thu; tình trạng này còn bắt gặp trên cây xoài, bưởi…
Cùng quan điểm với anh Mướp, ông Nguyễn Văn Mọng (khu vực chùa Bồng Lai) cho biết thêm, ngoài việc sương muối phá hoại, các vườn cây ăn trái ở đây còn bị các loại thú rừng phá hoại, chủ yếu là đồi đuôi đỏ. Động vật này thường tấn công cây sầu riêng, xoài… đang vào thời điểm thu hoạch nên ảnh hưởng đến năng suất trái. Ngoài ra, nhà vườn còn đối mặt với tình trạng ruồi vàng gây hại, trái cây bị ruồi đục làm giảm giá trị thương phẩm, chất lượng, khó bán cho du khách.
Trồng cây trái trên núi rất thuận lợi, không phải tốn công chăm sóc nhiều, không tốn chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên nông dân phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Năm nào được mùa, được giá thì nông dân đỡ vất vả. Những năm mất mùa hay mất giá, họ chỉ biết trông chờ vào mùa vụ năm sau.
ĐÌNH ĐỨC