Sau 2 năm liên tiếp thua lỗ vì giá thấp, niên vụ mía đường 2019 – 2020, vùng mía nguyên liệu tỉnh Sóc Trăng và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có sự giảm mạnh về diện tích. Tuy nhiên, việc giảm diện tích mía để hy vọng kéo giá mía tăng lên ở niên vụ này đến nay gần như vô vọng, khi giá mía vào đầu tháng 10 được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ thu mua chỉ ở mức 700 đồng/kg cho loại mía đạt 10 chữ đường (10CCS) đo tại nhà máy. Với mức giá này, người trồng mía coi như cầm chắc thua lỗ vì chỉ riêng tiền công đốn mía, vận chuyển ra đến ghe thu mua đã chiếm trên 200 đồng/kg.
Mỗi năm diện tích mía ở Cù Lao Dung lại giảm thêm khiến tương lai cây mía càng thêm mù mịt.
Hôm giữa tháng 10, có dịp về vùng nguyên liệu mía Cù Lao Dung mới thấy hết cái khó cùng nỗi lo của người trồng mía ở nơi từng được mệnh danh là “đảo mía” này. Nhìn những cây mía ốm yếu, khẳng khiu cũng đủ thấy suất đầu tư cho cây mía của nông dân cù lao vụ này là không cao, bởi theo chia sẻ của nông dân trồng mía, sau 2 niên vụ thua lỗ họ gần như không còn vốn, mà nếu có họ cũng không đủ can đảm để đầu tư mạnh cho cây mía. Một nông dân tâm sự: “Năm rồi, có lúc giá bán mía tại một số nơi trong huyện chỉ còn 300 đồng/kg, hỏi sao người trồng mía sống nổi. Bởi vậy, sau vụ mía vừa rồi, những hộ có điều kiện hầu như không ai giữ lại mía mà chuyển qua nuôi tôm hoặc trồng cây ăn trái hay cây màu. Chỉ những người không có vốn như tôi mới buộc phải tiếp tục trồng mía cầu may thôi, chứ cũng ít có hy vọng lắm vì dự báo cho thấy, giá mía năm nay khó mà lên được”.
Giá mía đầu vụ đã ở mức thấp, tình trạng thua lỗ lại tiếp diễn với người trồng mía.
Đúng là khó lên thiệt, khi giá đường trong nước vẫn ở mức thấp, còn các nhà máy thì bắt đầu tính chuyện chạy cầm chừng vì nếu bung hết công suất, đường làm ra biết tiêu thụ đi đâu?! Riêng nhà máy đường Sóc Trăng, đến hơn giữa tháng 10 vẫn chưa thấy bóng dáng ghe mía nào cặp cầu cảng. Trò chuyện với chúng tôi về cây mía, một nông dân sản xuất giỏi của huyện Cù Lao Dung cho biết, anh đã “chia tay” với cây mía, chuyển sang trồng cây ăn trái từ 3 năm nay rồi, nên cũng không bị ảnh hưởng gì chuyện giá mía. Anh kể: “Từ khi giá mía xuống thấp đến nay, giá đất trồng mía cũng xuống theo thấy rõ. Hồi trước, mỗi công đất trồng mía có trả từ 40 – 50 triệu đồng cũng không ai bán, còn bây giờ giá đất khu vực có đường đal hơi nhỏ giá chỉ 35 triệu đồng/công”.
Trở lại với niên vụ mía đường năm nay mới thấy hết cái khó, cái đáng lo không chỉ của người trồng mía mà còn của cả ngành mía đường ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung. Sản lượng mía năm nay chắc chắn sẽ giảm so với năm rồi không chỉ do diện tích trồng mía giảm mà một phần còn do giảm năng suất vì cây mía không còn được nông dân chăm chút, đầu tư như trước nữa. Năng suất thấp, giá bán thấp trong khi chi phí thu hoạch vẫn giữ ở mức cao thì chuyện thua lỗ không cần phải bàn cũng đủ hiểu. Bây giờ người trồng mía hầu như không màng đến chuyện bán mua ở niên vụ này nữa, mà họ lo là sau vụ mía này nên chọn cây, con gì để thay thế cho cây mía. Còn trong kế hoạch phát triển sản xuất của các địa phương có vùng trồng mía thì gần như con số diện tích năm sau luôn thấp hơn năm trước.
Tương lai cây mía vốn dĩ đã không mấy sáng sủa nay càng thêm mù mịt khi các dự báo đều nghiêng về trạng thái khó khăn nhiều hơn là thuận lợi đối với ngành mía đường kể từ đầu năm 2020. Đó là khi Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, hạn ngạch sẽ được dỡ bỏ và thuế nhập khẩu mía đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bằng 0. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đường từ các nước sản xuất đường lớn trong khối ASEAN như Thái Lan dù có đi bằng con đường chính ngạch đi chăng nữa cũng đủ sức chiếm lĩnh thị trường trong nước nhờ mức giá rẻ.
Thêm một niên vụ mía đường đầy khó khăn với người trồng mía và chưa ai dám khẳng định tương lai cây mía Sóc Trăng hay nói rộng ra là cả vùng ĐBSCL sẽ đi về đâu, nhưng có một điều gần như chắc chắn là sẽ có thêm nhiều nông dân từ bỏ cây mía, tìm đến những cây trồng, vật nuôi khác để ổn định thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho gia đình.
Theo Báo Sóc Trăng