Níu giữ nghề xưa: Nghề đục đá ở Thoại Sơn

09/03/2018 - 13:59

Nghề khai thác đá ở Thoại Sơn (An Giang) có từ lâu đời, chủ yếu là khai thác đá xây dựng và làm đồ gia dụng.

Núi Sập bị cấm khai thác đá vì có nguy cơ đổ sập - Ảnh: Hoàng Phương

Từ khi có lệnh cấm phá núi, những người thợ đục đá chuyển sang làm đá mỹ nghệ, cho ra những sản phẩm mỹ thuật có tiếng tăm.

Ba đời làm nghề đục đá

Người dân sống quanh núi Sập (H.Thoại Sơn, An Giang) kể rằng từ thời Pháp thuộc, ở đây đã có hàng chục hầm khai thác, cung cấp đá cho các tỉnh miền Tây. Về sau, với phương tiện hiện đại, mỗi năm người ta khai thác hàng trăm ngàn mét khối đá. Việc phá núi kéo dài đến sau năm 1975. Năm 2001, thấy núi Sập có nguy cơ đổ sập, chính quyền địa phương cho ngưng việc khai thác đá. Sau đó nghề chế tác đá mỹ nghệ dần dần phát triển. Ban đầu là những sản phẩm như đi văng, bàn ghế chạm trổ... rồi chuyển sang đồ cao cấp hơn.

Anh Lê Trọng Sơn ở ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, cho biết gia đình anh sống bằng nghề đục đá đã 3 đời. Hồi đó, cha anh có trại chuyên làm bia mộ và đồ gia dụng như cối giã, cối xay. Trước năm 2000, xung quanh núi Sập có khoảng 80% cư dân sống bằng nghề khai thác đá với hàng ngàn người, tập trung ở các ấp Đông Sơn 1 và Đông Sơn 2. Nhiều gia đình đã qua 3 - 4 đời bám núi và sống chết với nghề. Lúc bấy giờ xung quanh núi người ta che rất nhiều trại làm đá, có cả những người ở các tỉnh khác hoặc ngoài Bắc vào làm. Ở cách xa cả cây số có thể nghe được tiếng đục đá, hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Khi chính quyền ra lệnh cấm khai thác đá, mấy năm nay nhiều người đã bỏ nghề. Một số thợ chuyển sang làm đá mỹ nghệ. Số khác thì ra Quy Nhơn, Vũng Tàu hay lên Hòn Sóc, Cô Tô tiếp tục theo nghề khai thác và chế tác đá xây dựng như đá lót nền, cột rào... Năm 2016 cả H.Thoại Sơn còn khoảng 7 trại làm đá, đa số là sản xuất bàn ghế, nhưng nay đã thưa dần.

Sản phẩm của anh Sơn chủ yếu là đá mỹ thuật. Anh cho biết nhóm của anh còn 5 - 7 người theo nghề. Mỗi khi có đơn đặt hàng thì anh em tập hợp lại cùng nghiên cứu từ chất liệu đá đến cách đục đẽo, chế tác theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, anh còn làm thêm các sản phẩm để trưng bày như tỳ hưu, sư tử, cá hóa long... hoặc phục chế những bức tượng thuộc văn hóa Óc Eo như linga, tượng thần Shiva để trang trí, nếu có khách hàng mua thì bán.

Khách du lịch thường tới tham quan và mua các loại cối giã, cối xay mô hình đồ gia dụng bằng đá thu nhỏ do anh Sơn tạo tác. Anh tâm sự: “Vì mê nghề, tác phẩm làm ra chủ yếu để chơi, để thưởng thức chứ không nhất thiết phải bán. Nhiều khu du lịch ở Phú Quốc, Hà Tiên có tìm đến đặt hàng, nhưng tôi không đáp ứng được. Thời gian qua tôi bỏ công đi tham quan nhiều nơi làm đá mỹ nghệ để học hỏi, nhưng không hài lòng vì do chạy theo lợi nhuận, có nơi hàng làm ra từ khuôn bột đá chứ không phải đục đẽo từ khối đá thật”.

Hai năm trở lại đây, nhiều khách đến tìm anh Sơn đặt làm các linh vật trang trí như long, lân, quy, sư tử và cả tượng Phật... hoặc thi công cột đá chạm trổ ở các đình, chùa trong vùng. Năm ngoái, anh thi công nhiều tác phẩm cho chùa Phù Dung (Hà Tiên), chùa Tây An (Châu Đốc) và làm bia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Long Xuyên. Hiện anh đang cùng anh em trong nhóm tạo tác một con quy lớn cho khách hàng ở H.Bình Đại, Bến Tre.

“Nghề đục đá bây giờ có máy móc hỗ trợ. So với thủ công thì nhanh hơn, nhưng về đường nét chi tiết có khi phải đục tay, tác phẩm mới có hồn. Nghề đá cực khổ lắm, mình gắng duy trì cho anh em có việc làm, có thu nhập mà hiện giờ chỉ còn vài chục người theo nghề”, anh Sơn chia sẻ.

Nhiều thợ đục đá giờ chuyển sang làm đá mỹ nghệ

Tìm đá cũng là kỳ công

Theo anh Đoàn Trung Tính ở ấp Đông Sơn 1, TT.Núi Sập (H.Thoại Sơn), đi tìm đá là một kỳ công. Tìm được khối đá to nhưng không phải cưa xẻ bề nào cũng được. Phải coi kỹ đường chạy, thớ đá, quan sát kỹ thấy đá không ngả màu hoặc có khả năng bị phèn (ô xít sắt), bọng, không chảy mủ… mới mua. Có khi khối đá to bằng cái nhà nhưng không biết mua về rồi phải bỏ của. Như con quy anh đang thực hiện phải đi tới Hòn Sóc (H.Hòn Đất, Kiên Giang) chọn khối đá lớn, cho 2 xe cuốc bới ra, cẩu lên, rồi khoan, cưa xẻ, chở về. Để làm được con quy này phải lấy khối đá nặng đến 15 tấn. Tiền thuê xe cẩu, tiền đá đã hết 25 triệu đồng, chưa kể tiền công khoan, cắt...

Thường đơn đặt hàng tính theo chất lượng đá. Nhưng đá ở vùng Hà Tiên, Đồng Nai mắc tiền mà khách hàng đòi giá rẻ nên khó làm. Hiện nay những người thợ đá ở đây phải đến các công trình khai thác đá ở núi Cô Tô, Hòn Sóc chọn đá mua về. Thỉnh thoảng mới lấy đá xanh Đồng Nai hoặc đá Thanh Hóa. Theo anh Tính, đá ở vùng này tốt không thua vùng ngoài, chỉ có màu sắc không đẹp bằng.

Tự học nghề làm đá từ năm 21 tuổi, anh Tính cho biết ban đầu anh cưa đá làm bàn ghế rồi tích lũy kinh nghiệm tham gia cùng anh em trong nhóm làm đá mỹ nghệ. Nhóm thợ đá ở núi Sập hiện không còn nhiều, ai thuê gì làm nấy. Mỗi người làm một công đoạn. Người vẽ, người cưa, người đục. Ai có hoa tay thì được thuê nhiều hơn. Rất vất vả nhưng thu nhập trung bình mỗi người thợ bây giờ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Đá bây giờ mắc tiền và khó kiếm, nên ít ai dám bỏ vốn ra làm.

Anh Tính khoe mới hoàn thành một hòn đá chạm nổi bên vách đề tài “hổ hóa long” từ nguyên khối đá, trên bia mộ chạm rồng, sau lưng chạm bát tiên. Những tác phẩm lớn và nhiều chi tiết như thế thường phải đục đẽo mất từ 3 - 4 tháng mới xong. “Hồi năm 2014, Bộ VH-TT-DL có văn bản cấm sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt mà dư luận gọi là “cấm thú lạ”, nhóm chúng tôi mới nảy sinh ý định làm cặp trâu đá cho khách hàng. Cặp trâu đá này lớn bằng con trâu thật, mỗi con nặng 3 tấn. Đó là tác phẩm lớn đầu tiên do nhóm chúng tôi tạo tác và hiện được trưng bày ở gần phà Vàm Cống, An Giang”, anh Tính cho biết.

Cũng theo anh Tính thì Thiền viện Trúc Lâm ở dưới chân núi Sập đang xây dựng đã đặt nhóm của anh tạc bộ tượng Thập bát La hán, mỗi vị cao khoảng 1,5 m. Anh tính sơ bộ công trình này trị giá khoảng hơn 700 triệu đồng. Còn dự án tượng Phật Quan Âm ngoài trời cao 45 m cũng của thiền viện này, anh em rất háo hức nhưng rất khó kiếm đá lớn để thi công.

Theo Thanh Niên