Đội văn nghệ Trường PTDTNT TP Cần Thơ biểu diễn trong lễ khai giảng năm học 2017-2018.
Hội thi Hùng biện tiếng Khmer liên trường được tổ chức tại Trường PTDTNT TP Cần Thơ vào tháng 4-2018 là một trong những hoạt động tiêu biểu cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các Trường PTDTNT. Lần thứ 2 tổ chức, hội thi thu hút 9 Trường PTDTNT ở ĐBSCL tham gia, tăng 4 đơn vị so với lần đầu tiên. Trong trang phục truyền thống, các học sinh giới thiệu về trường học, địa phương của mình; “đuổi hình bắt chữ”, trả lời câu hỏi… Thầy Nguyễn Văn Triệu, Hiệu trưởng Trường PTDTNT TP Cần Thơ, chia sẻ: “Hội thi nhằm giúp học sinh dân tộc Khmer phát triển năng lực thuyết trình, tự tin trong giao tiếp; hình thành sự hứng thú, ham thích trong việc học tiếng Khmer, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Ngoài ra, Trường PTDTNT TP Cần Thơ còn duy trì đội văn nghệ, đội nhạc ngũ âm biểu diễn phục vụ trong các ngày lễ, các sự kiện quan trọng của trường, quận và thành phố; tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm ở các di tích lịch sử - văn hóa… Các trường khác cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo hứng thú cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa bên cạnh những tiết học chính thức. Tiêu biểu như Trường PTDTNT tỉnh Trà Vinh tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt vào tối thứ bảy hằng tuần, với các nội dung giao lưu văn nghệ, kể chuyện, đố vui… nhằm góp phần khắc phục những hạn chế trong nói, viết tiếng Khmer của học sinh. Hay Trường PTDTNT THPT An Giang bảo tồn các điệu múa truyền thống bằng cách tổ chức hội thi “múa cộng đồng” hằng năm, với đầy đủ vũ điệu dân gian của đồng bào Khmer. Còn Trường PTDTNT tỉnh Hậu Giang xây dựng phòng trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc truyền thống trong trường học…
Tuy nhiên, các Trường PTDTNT vẫn còn nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Điển hình nhất là thời lượng dạy và học tiếng Khmer. Theo quy định chung, mỗi tuần các trường có 4 tiết dạy tiếng Khmer nhưng do nhiều nguyên nhân, nhiều trường cắt giảm còn 2-3 tiết/tuần. Đại diện Trường PTDTNT Tịnh Biên – An Giang, nhấn mạnh: “Môn tiếng Khmer không ảnh hưởng việc đánh giá xếp loại học lực nên bị đa số học sinh coi là môn phụ”. Tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, do gia đình lơ là… cũng là một cản ngại. Để khắc phục những khó khăn này, các trường cần cải thiện cơ sở vật chất; đổi mới phương pháp; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, vui chơi giải trí; tranh thủ sự đồng thuận của gia đình trong giáo dục học sinh; nâng cao vai trò của giáo viên trong kèm cặp, hướng dẫn học sinh…
Một hạn chế khác là đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer vẫn còn thiếu, không đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, chưa năng động trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Công tác phát triển đội ngũ cũng như cơ chế chính sách còn khá nhiều bất cập, khiến giáo viên chưa yên tâm công tác… Từ thực tế đó, thầy Ngô Khắc Thiệu, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Kiên Giang, đề xuất đổi mới quy trình tuyển chọn, sử dụng giáo viên dạy tiếng Khmer theo chuẩn nghề nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; tăng cường sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Ban dân tộc trong công tác phát triển đội ngũ...
Có thể thấy các Trường PTDTNT ở ĐBSCL đang vượt khó, phấn đấu nâng cao hiệu quả trong việc giáo dục học sinh bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo LỆ THU (Báo Cần Thơ)