Tham quan mô hình trồng nấm dạng trụ
Phát triển mô hình trồng nấm dạng trụ
Giống như nhiều hộ nông dân khác, sau mỗi vụ lúa, anh Dương Văn Tài (ấp Hòa Lợi 2) thuê đất để canh tác nấm. Tuy nhiên, trồng nấm rơm ngoài trời gặp nhiều rủi ro, nhất là thời tiết biến đổi thất thường như hiện nay khiến năng suất giảm đáng kể.
Năm 2017, anh Dương Văn Tài chuyển qua mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ, tính kinh tế và hiệu quả cao hơn gấp đôi so với trồng nấm rơm ngoài trời. Tuy nhiên, qua nhiều vụ trồng nấm cho thấy, trồng nấm rơm trong nhà bằng dạng kệ có nhiều điểm chưa phù hợp.
Năm 2019, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật từ Trạm Khuyến nông, anh Tài đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà với diện tích 105m2.
Theo anh Tài, so với phương pháp canh tác truyền thống, trồng nấm rơm trong nhà theo dạng trụ giúp nông dân quản lý tốt nhiệt độ, độ ẩm. Đây là điều kiện quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của nấm. Từ kinh nghiệm được đúc kết, anh Tài cho biết, khi độ ẩm trong nhà đạt 80% và nhiệt độ trong trụ từ 40-42% là cây nấm cho năng suất cao nhất.
Đánh giá về năng suất, anh Tài chia sẻ: “Trung bình mỗi mét mô ngoài trời thu hoạch khoảng 1,5kg nấm/vụ, còn mỗi trụ nấm thu hoạch trung bình 3 - 4 kg/vụ. Ngoài ra, trồng nấm rơm theo phương pháp này dễ chăm sóc và thuận lợi khi thu hoạch. Gia đình tôi thường thu hoạch nấm vào buổi sáng sớm, sau đó mang ra chợ bán. Nhờ vậy, nấm giữ được độ tươi hơn so với nấm thu hoạch ở ngoài trời”.
Hiện nay, anh Tài đang sở hữu 3 nhà trồng nấm với diện tích 450m2, trên 300 trụ. Với giá bán dao động từ 60.000 đồng/kg, chi phí mỗi trụ khoảng 70.000 đồng. Ngoài trồng nấm, anh còn tận dụng nguồn rơm sau sử dụng để trồng thêm hoa bán Tết và ủ phân rơm để bán cho các nhà vườn trồng cây ăn trái hoặc trồng hoa kiểng với giá 50.000 đồng/bao.
Thấy cách làm của anh Dương Văn Tài mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã đến học tập kinh nghiệm và được anh nhiệt tình hướng dẫn. Hiện nay, mô hình trồng nấm rơm trong nhà theo dạng trụ đã được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Hiệu quả từ mô hình liên kết
Năm 2018, thấy mô hình trồng nấm rơm phát triển mạnh ở địa phương và giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi đã đứng ra vận động bà con nông dân liên kết sản xuất, thành lập THT trồng nấm Hòa Lợi.
Hiện nay, tổ có 11 thành viên, canh tác trên diện tích 1.120m2 (gồm diện tích trồng trong nhà và ngoài trời). Tổ trưởng THT trồng nấm Hòa Lợi Trần Công Tạo cho biết, đây là “ngôi nhà chung” để các nông dân yêu nghề trồng nấm có điều kiện giao lưu với nhau.
“Bình quân mỗi tháng, tổ tiến hành họp các thành viên 1 lần. Thông qua các buổi họp mặt, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác; những khó khăn, thuận lợi trong quá trình trồng nấm. Đặc biệt, các thành viên trong tổ còn thành lập quỹ góp vốn xoay vòng để giúp nhau vượt qua những khó khăn. Ngoài ra, tổ còn ký hợp đồng mua nguyên liệu về chia lại cho các thành viên trong tổ nhằm giảm giá thành sản xuất” - anh Tạo cho biết.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi Võ Hữu Dự đánh giá, mô hình trồng nấm nói chung và trồng nấm trong nhà nói riêng đã tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào từ rơm, vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi của nông dân, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Nhu cầu thị trường đối với nấm rơm khá lớn nên giá cao và ổn định. Bên cạnh đó, các chất hữu cơ còn lại sau thu hoạch nấm là nguồn phân bón rất tốt cho cây ăn trái và hoa màu, giúp người trồng nấm nâng cao thu nhập cho gia đình.
“Năm 2019, từ nguồn vốn của quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân đã hỗ trợ cho 3 hộ vay vốn xây dựng nhà trồng nấm, với tổng kinh phí 150 triệu đồng (50 triệu đồng/hộ). Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia mô hình. Đặc biệt là hướng tới xây dựng thương hiệu để sản phẩm nấm của bà con có được chỗ đứng trên thị trường” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi Võ Hữu Dự thông tin.
ĐỨC TOÀN