Nông dân Long An bội thu trong mùa khô hạn

08/04/2020 - 14:54

Ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đang vào đỉnh điểm của khô hạn, nhiều địa phương phải gồng mình chống hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt thì ở vùng thượng huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đang được tưới mát bởi dòng nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) liên tục chảy về trên hệ thống thủy lợi Phước Hòa.

Ông Huỳnh Văn Vũ, ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Nam (huyện Đức Hòa, Long An) tươi cười bên ruộng đậu bắp đang vào vụ thụ hoạch.

Nông dân Huỳnh Văn Vũ, ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Nam (huyện Đức Hòa, Long An) cho biết: Gia đình canh tác 1,1 ha đất trồng hai lúa, hai màu. Mùa này đang là cao điểm của khô hạn nhưng toàn bộ diện tích không bỏ trống chỗ nào là nhờ hệ thống thủy lợi Phước Hòa nước chảy về liên tục, thỏa sức tưới cho rau màu. Bà con có đất sản xuất nông nghiệp nằm dọc hai bên kênh thủy lợi này đang thắng lớn. Các loại rau, củ, quả đang trồng mùa khô hạn này đang có giá từ 8.000-15.000 đồng/kg, cao hơn dịp Tết vừa qua. Với giá hiện tại bình quân 1.000 m2 đất trồng dưa leo, khổ qua, đậu bắp… sau ba tháng thu hoạch trừ chi phí thu lãi hơn 10 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Nam - Nguyễn Thanh Bình cho biết: Hệ thống thủy lợi Phước Hòa đi qua địa bàn xã với 16 tuyến kênh cấp 1, 2 và 3 dẫn nước từ trục kênh chính vào đồng phục vụ rất tốt cho hơn 230 ha đất trồng lúa, rau màu, chăn nuôi gia súc và gia cầm. Đặc biệt, trong ba năm trở lại đây, đến mùa nắng hạn lúc nào hệ thống thủy lợi Phước Hòa cũng có nước ngọt phục nhân dân sản xuất từ hai vụ tăng lên bốn vụ. Thu nhập của nông dân tăng theo từng mùa vụ, nhà tường cấp 4 mọc lên san sát, con em học hành thành đạt… là nhờ vào dòng nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng liên chục chảy về trên kênh thủy lợi Phước Hòa. Đặc biệt, từ khi có nguồn nước ngọt của hệ thống thủy lợi Phước Hòa, UBND huyện Đức Hòa đã chọn ấp Bình Thủy và Giồng Ngang, xã Hòa Khánh Nam triển khai thực hiện mô hình trồng rau công nghệ cao trên diện tích 56 ha đạt hiệu quả rất cao. Lúc này đang là đỉnh điểm của mùa khô và tất cả nông dân đang sinh kế trên mảnh đất nông nghiệp dọc hai bên trục kênh cấp 1, 2 và 3 thuộc hệ thống lợi Phước Hòa đang hưởng lợi lớn từ dòng nước ngọt này. Hiệu quả của dự án cấp nước ngọt là rất rõ nhưng chỉ mới phục vụ được 100m đầu tỉnh từ hệ thống trục kênh chính. Phần diện tích phía sau chưa được hưởng lợi là do còn thiếu hệ thống thủy lợi nội đồng.

Hệ thống thủy lợi Phước Hòa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để dẫn nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) về phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi vùng thượng huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung cho biết: Hệ thống các công trình thủy lợi khu tưới Đức Hòa thuộc dự án thủy lợi Phước Hòa đi qua địa bàn 11 xã và một thị trấn đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016. Theo thiết kế, 126 tuyến kênh cấp 1, 2 và 3, có tổng chiều dài hơn 182 km, phục vụ tưới hơn cho hơn 10.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, bổ sung cho nguồn nước tầng nông, cấp nước cho nhà máy nước Phú Mỹ Vinh và cấp nước thô cho công nghiệp ở huyện Đức Hòa. Tuy nhiên, sau hơn ba năm công trình đưa vào sử dụng chỉ mới bảo đảm tưới cho hơn 4.200 ha, trong đó, tưới thông qua bơm chuyền hơn 1.700 ha, diện tích tạo nguồn hơn 270 ha, khả năng tưới trực tiếp từ hệ thống kênh do nhà nước đầu tư khoảng 39,5%, phần diện tích còn lại do thiếu hệ thống kênh nội đồng nên chưa phát huy hết công năng của công trình nghìn tỷ.

Nông dân trồng màu bội thu giữa mùa khô hạn nhờ dòng nước mát từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) liên tục chảy về trên hệ thống thủy lợi Phước Hòa.

Để phát huy công năng của dự án nghìn tỷ này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đức Hòa đang phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Long An lập kế hoạch đầu tư hệ thống kênh nội đồng từ năm 2020 và đề xuất Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và UBND huyện sớm họp thống nhất đề xuất cơ chế đầu tư, trách nhiệm từng cấp, trình cấp thẩm quyền ban hành thực hiện. Dự kiến sẽ đầu tư 341 tuyến nội đồng chiều dài hơn 83.880m, kinh phí ước tính 66,750 tỷ đồng, trong đó dự kiến chi phí đền bù đất là 5,6 tỷ đồng, phần còn lại xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng dẫn nước phục vụ sản xuất.

Trong lúc chờ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, từ năm 2017 các xã Tân Mỹ, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Đông và Đức Lập Hạ đã đầu tư gần 10.000m kênh nội đồng để phục vụ tưới cho chương trình phát triển cây rau ứng dụng công nghệ cao. Hiện tạo, các mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao dọc theo hệ thống thủy lợi này rất hiệu quả vì nguồn nước ngọt dồi dào không lo khô hạn. Tất cả những hộ dân đang hưởng lợi dòng nước ngọt trên hệ thống thủy lợi Phước Hào đã xây được nhà tường cấp 4, hộ giàu tăng theo từ năm, nông thôn mới ngày càng thêm mới.

Theo THANH PHONG (Nhân dân)