Thành quả nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020
Để phát triển toàn diện về nông nghiệp, tỉnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020. Thông qua đề án này mà diện tích lúa đặc sản chiếm 53% diện tích lúa toàn tỉnh; đồng thời ngành nông nghiệp cũng đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư thực hiện hàng loạt các dự án bổ trợ cho các lĩnh vực nông nghiệp như: Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa; Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Dự án lúa đặc sản; quy hoạch và tổ chức lại diện tích nuôi tôm nước lợ và tạo các chuỗi liên kết trong tiêu thụ, mở rộng thị trường, tăng năng suất, chất lượng nông sản…
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu rất quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương. Ảnh: THÚY LIỄU
Ước tính, trong giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản phẩm thu hoạch của 1ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản tăng từ 144 triệu đồng/ha (năm 2016) lên 185 triệu đồng/ha (năm 2020), đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Nông dân Phạm Hữu Út, ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (Long Phú) tâm tình: “Trong vài năm trở lại đây, đời sống người dân nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc, nhất là được ngành chuyên môn hướng dẫn việc phát triển các vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, chẳng hạn như nhà tôi nuôi bò vỗ béo mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Việc nuôi bò cũng được các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn, định hướng nuôi nên thu nhập tại hộ luôn ổn định…”.
Thành tích nổi bật trong sản xuất nông nghiệp trước tiên là về cây lúa, trong năm 2020 ước diện tích gieo trồng 338.366ha, sản lượng lúa ổn định trên 2 triệu tấn, trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm 41% (năm 2016) tăng lên 52% (năm 2020), vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (nghị quyết đề ra 40%). Nổi bật, tại Hội nghị quốc tế về thương mại lúa gạo lần thứ 9 tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) năm 2017, gạo ST24 đạt “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”; tiếp đến năm 2019, gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” được tổ chức tại Manila (Philippines). Ngoài cây lúa, thủy sản cũng được xem là thế mạnh thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần tăng GRDP của tỉnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã duy trì và tăng diện tích nuôi thủy sản. Nếu như năm 2016 diện tích thả nuôi thủy sản là 69.492ha, thì ước cuối năm 2020 đạt 73.700ha; tổng sản lượng đạt 237.122 tấn vào năm 2016, ước đến cuối năm 2020 đạt 317.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 58.700 tấn, ước cuối năm 2020 đạt 64.000 tấn.
Ông Phạm Hữu Út, ấp Phụng Tường 1, xã Song Phụng (Long Phú) cho rằng nhờ chuyển đổi vật nuôi góp phần ổn định nguồn thu nhập tại hộ. Ảnh: THÚY LIỄU
Song song đó, tỉnh cũng có thế mạnh trong phát triển các loại cây ăn trái đặc sản với diện tích phát triển ngày càng ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn. Ước cuối năm 2020, diện tích cây ăn trái đạt 32.000ha (tăng 2.981ha so với năm 2016), trong đó đã hình thành các vườn cây ăn trái theo hướng VietGAP trên tổng diện tích 373,4ha, như: cam, nhãn, mãng cầu gai, xoài cát chu, bưởi da xanh, vú sữa. Theo đó, có 10 vùng trồng cây ăn trái, có hơn 320ha được cấp 36 mã code, có một số loại cây ăn trái liên kết xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ là vú sữa, xoài, bưởi, nhãn... Riêng về diện tích màu phát triển thuận lợi, nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư rộng khắp nên chủ động được nguồn nước và nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả đã chuyển sang trồng màu. Ngành nông nghiệp đã triển khai hỗ trợ các địa phương phát triển trồng màu an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc xây dựng 115 nhà lưới, màng; 7 cửa hàng bán rau an toàn và có 35,15ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đã được cấp chứng nhận.
“Chương trình OCOP đã góp phần đưa sản phẩm của hợp tác xã đến tay người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn, tạo nền tảng cho hợp tác xã không ngừng đổi mới sản phẩm hàng hóa, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, sản phẩm do cá nhân, tổ chức sản xuất ra được khách hàng biết đến nhiều hơn thông qua việc liên kết cùng doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm…” - đó là nhận định của ông Hồng Văn Cầu - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phương An, xã Hưng Phú (Mỹ Tú).
Để phát triển toàn diện nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025
Lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh thường xuyên đi thực tế tận các hộ gia đình để tham quan việc chuyển đổi cây trồng tại hộ. Ảnh: THÚY LIỄU
Chia sẻ cùng chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết thông tin, trong nhiệm kỳ tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế của tỉnh, xây dựng và phát triển vùng sản xuất với quy mô lớn thích ứng với biến đổi khí hậu…
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ mới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản phù hợp với đặc điểm thực tế các địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển mạnh các mô hình, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng như: lúa gạo, hành tím, cây ăn trái; chăn nuôi...
Rà soát chuyển đổi diện tích sản xuất hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao giá trị thủy sản; đa dạng các hình thức liên kết sản xuất 4 nhà; phát triển kinh tế trang trại, gia trại; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thông tin thị trường và dự báo thị trường; vận động toàn dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường thanh tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với vật tư, sản phẩm nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp...
Theo THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)