Nông nghiệp thêm một năm vượt khó tăng trưởng

02/01/2020 - 14:06

Nông nghiệp Vĩnh Long vừa trải qua năm 2019 đầy khó khăn với nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn xảy ra, giá nông sản biến động bất thường, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp,… nhưng sau tất cả, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm vẫn có mức tăng trưởng 2,1%. Nông nghiệp tỉnh nhà lại thêm một năm vượt khó.

Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cây khoai lang theo hướng nâng cao chuỗi giá trị. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT (bên phải) giới thiệu đối tác vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân.

Vượt khó tăng trưởng

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- biểu dương thành quả trên tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp vừa qua và cho rằng mặc dù giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản chưa đạt chỉ tiêu đề ra nhưng với mức tăng trưởng này trong điều kiện khó là cả một sự phấn đấu lớn.

Đáng chú ý là nông nghiệp của tỉnh được cơ cấu lại đúng trọng tâm, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả thiết thực. Diện tích lúa giảm 3,98%, rau màu tăng 3,2%, đặc biệt diện tích cây ăn trái tăng 7,3% và sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,61%.

Đến nay, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ước đạt 209 triệu đồng/ha/năm, vượt chỉ tiêu theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Tỉnh ủy (200 triệu đồng/ha/năm).

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, trong năm, mặc dù cả 3 vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông đều giảm diện tích và sản lượng nhưng bù lại là sản phẩm cây ăn trái tăng mạnh.

Tình hình thiên tai, bệnh hại có xảy ra nhưng được kiểm soát tốt nên thiệt hại ở mức thấp đã góp phần giúp cho ngành trồng trọt đạt hiệu quả.

Nông nghiệp thêm một năm vượt khó tăng trưởng. Trong ảnh: Sản phẩm cây ăn trái tăng mạnh bù đắp sự sụt giảm diện tích và sản lượng lúa.

Thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp, thời gian qua huyện Vũng Liêm cân đối lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời tiếp tục xác định thế mạnh vùng nguyên liệu cây ăn trái của tỉnh với cây trồng chủ lực như: cam sành, bưởi da xanh, xoài tập trung ở các xã ven sông Cổ Chiên và 2 xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện.

Theo bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cơ cấu lại nông nghiệp của huyện đã đạt được kết quả tích cực. Vùng nguyên liệu cây ăn trái đạt 4.749ha, sản lượng 130.000 tấn/năm, đóng góp rất lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh.

Trong năm 2019, một số hợp tác xã bước đầu đã có ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản chủ lực như cam sành, bưởi da xanh, xoài. Phát huy ưu thế này, hướng tới Vũng Liêm sẽ chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nếu như trồng trọt có được những kết quả khả quan thì ngành chăn nuôi trải qua một năm nhiều khó khăn, đặc biệt là bệnh dịch tả heo Châu Phi làm tổng đàn heo của tỉnh giảm hơn 46%. Dịch bệnh cũng làm giá heo giảm trong thời gian dài và hiện giá đã tăng lên nhưng số lượng đàn heo đã giảm, người nuôi đang tìm biện pháp tái đàn hiệu quả.

Sau heo, dịch bệnh trên bò cũng gây ảnh hưởng không nhỏ trên đàn vật nuôi này. Trong khi đó, xu hướng chuyển sang nuôi gia cầm đang gia tăng có thể dẫn đến dịch cúm gia cầm tái phát cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành chăn nuôi.

Nhiệm vụ khó khăn trong năm mới

Vĩnh Long đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển hệ thống sản xuất lúa giống.

Bên cạnh thành quả đạt được, ngành nông nghiệp xác định những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ đó là giá cả nông sản biến động khó lường, việc bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều khó khăn. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại nặng nề.

Bên cạnh đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa hiệu quả do tỷ suất lợi nhuận trong nông nghiệp thấp, rủi ro cao.

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu thu hút doanh nghiệp. Phát triển kinh tế hợp tác làm đầu mối để đẩy mạnh liên kết sản xuất vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Trong khi đó, dự báo năm 2020 tình hình thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tiếp tục mang đến những nguy cơ khó lường cho sản xuất nông nghiệp.

Do đó, chỉ tiêu giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 2- 2,2% so với năm 2019 mà ngành nông nghiệp đề ra cho năm mới này có thể nói là là một nhiệm vụ khó khăn.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, ông Trần Hoàng Tựu chỉ đạo ngành nông nghiệp ưu tiên hàng đầu thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành, phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị có liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, giảm giá thành sản xuất.

Theo đó, việc nâng cao chất lượng nông sản phải thông qua đầu tư giống tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sơ chế đóng gói sản phẩm, chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng các vùng sản xuất an toàn gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ.

Bên cạnh, để phát triển cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, phải thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng hạn, mặn thông qua chuyển đổi phương thức canh tác kết hợp với chọn giống mới có khả năng chịu hạn, mặn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

Riêng lĩnh vực chăn nuôi, định hướng phát triển trang trại, gia trại an toàn sinh học, phát triển đa dạng các loài thủy sản theo hình thức nuôi công nghiệp, trên nền đất lúa cũng như chủ động phòng chống dịch bệnh.

Việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản cũng là đòi hỏi cấp thiết, muốn vậy cần liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực các hợp tác xã nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết tiêu thụ, công nghệ sau thu hoạch.

Với những định hướng cho năm mới đã được vạch ra, cùng với sự quyết tâm của người dân, doanh nghiệp, ông Trần Hoàng Tựu tin tưởng ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục vượt qua các khó khăn, tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu của ngành trong năm mới.

Theo Báo Vĩnh Long