Nông nghiệp và thử thách đầu năm

03/02/2020 - 08:46

​Sau một năm được đánh giá là rất thành công trong thế khó, ngành Nông nghiệp của tỉnh rất được kỳ vọng sẽ tạo nên những thành tích mới ở năm 2020 để góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tuy nhiên, với những diễn biến có liên quan về thời tiết, dịch bệnh, thị trường từ những tháng cuối năm 2019 đến nay cho thấy những khó khăn, thử thách trong năm 2020 cho ngành nông nghiệp sẽ là rất lớn, nếu muốn đạt được mục tiêu đề ra.

Những dòng kênh nội đồng bắt đầu cạn kiệt vì hạn, đe dọa những trà lúa Đông – Xuân muộn.

Ngay từ khi năm 2019 còn chưa kết thúc, ngành nông nghiệp đã phải đương đầu với thử thách đầu tiên là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ gay gắt và kéo dài. Đây vốn dĩ là thử thách không hề xa lạ đối với ngành nông nghiệp, nhưng để vượt qua một cách an toàn và hiệu quả là một điều không hề dễ dàng. Nói không dễ dàng là bởi các kịch bản phòng chống hay thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn đều có những ưu, nhược điểm riêng. Đơn cử như chuyện giảm diện tích canh tác lúa để giảm tiêu tốn nguồn nước ngọt trong thời điểm hạn, mặn cũng đã khó thực hiện. Đơn giản chỉ vì nông dân đều có cùng suy nghĩ “người khác không làm, mình làm sẽ bán được giá cao hơn”.

Người nuôi heo vẫn phập phồng vì dịch tả heo châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, nên chưa dám tái đàn.

Nếu như lĩnh vực trồng trọt đang đau đầu với thiên tai hạn, mặn thì chăn nuôi vẫn thấp thỏm lo âu vì dịch tả heo châu Phi. Các báo cáo từ Cục Thú y cho thấy tình hình dịch bệnh này đã có phần lắng dịu, nhưng người chăn nuôi heo đến nay vẫn chưa mạnh dạn tái đàn dù giá heo hơi đang rất hấp dẫn. Theo các hộ chăn nuôi heo, nếu tái đàn ở thời điểm này là “5 ăn, 5 thua” và đó cũng là lý do vì sao giá heo hơi hiện vẫn còn ở mức cao. Do đó, khó có thể đòi hỏi tổng đàn heo của tỉnh sẽ tăng trở lại trong những tháng đầu năm hay giá heo hơi sẽ quay đầu về mức trung bình nhiều năm. Một chủ trang trại chăn nuôi heo phân tích: “Với giá heo hơi hiện tại từ 75.000 – 85.000 đồng/kg ai cũng cho là cao, nhưng nếu chịu khó phân tích kỹ hơn thì mức giá trên vẫn là hợp lý. Vì sao? Vì chúng ta vẫn chưa khống chế hoàn toàn dịch bệnh nên rủi ro là rất lớn, nên chúng tôi nói “5 ăn, 5 thua” là vậy. Điều này cũng giống như trong nuôi tôm vậy, nếu lợi nhuận chỉ từ 20 - 30% thì sẽ có rất ít người nuôi do tỷ lệ rủi ro cao”.

Con tôm dự báo có nhiều thuận lợi nhưng cũng đang “nín thở” chờ thông tin từ Trung Quốc.

Được xếp vào nhóm “siêu lợi nhuận” nhưng nghề nuôi tôm cũng lắm rủi ro, kể cả thời tiết, môi trường, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Năm 2019, ngành tôm của tỉnh được đánh giá là thành công lớn và tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo ra những thành tích lớn hơn trong năm 2020. Sự kỳ vọng đó đến từ điều kiện thời tiết, môi trường khá thuận lợi ngay sau khi mùa tôm năm 2019 vừa kết thúc; đó còn là các hiệp định thương mại tự do lớn sẽ có hiệu lực trong năm 2020 làm tăng tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường… Tuy nhiên, đối với con tôm, thuận lợi bao giờ cũng đi kèm với khó khăn, thách thức, mà trước hết là làm sao nuôi thành công trong điều kiện một số dịch bệnh mới phát sinh từ cuối vụ nuôi năm 2019 đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng trị hữu hiệu.

Khó khăn từ nội tại là rất rõ và với bản lĩnh, kinh nghiệm của mình, ngành Nông nghiệp tỉnh ít nhiều có thể hạn chế mức độ tổn thất, giữ vững năng suất, sản lượng như đã từng làm trong năm 2019. Tuy nhiên, một khó khăn mới đến từ bên ngoài lãnh thổ nhiều khả năng sẽ gây khó khăn hơn cho ngành nông nghiệp, nếu các doanh nghiệp không kịp thời có sự chuyển hướng, đó chính là tình trạng dịch viêm phổi Vũ Hán do virus Corona mới gây ra. Có lẽ chúng ta đều biết, Trung Quốc chính là thị trường lớn của hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, nên mọi diễn biến bất lợi từ thị trường này đều có tác động đến khả năng tiêu thụ các mặt hàng này. Biểu hiện rõ nhất là giá thanh long gần đây giảm mạnh, thương lái hủy cọc không mua do thị trường Trung Quốc tạm đóng cửa để phòng chống dịch.

Ngay những ngày đầu năm Canh Tý này, khi được hỏi về thị trường tôm, hầu hết các doanh nghiệp đều lắc đầu từ chối đưa ra nhận định, vì theo họ chưa có đầy đủ cơ sở để phân tích, đánh giá đúng thị trường, nhưng lo lắng là điều mà người viết có thể cảm nhận được nơi họ. Họ lo lắng cũng phải, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tôm lớn của thế giới và là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ tư của Việt Nam trong năm 2019. Vì vậy, một khi sức tiêu thụ ở thị trường này chững lại và các nước nuôi tôm trúng mùa rất dễ phát sinh cạnh tranh kiểu “đại hạ giá”, gây khó khăn cho cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Một doanh nghiệp phân tích: “Một khi sức tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc yếu đi, lượng tôm tồn dư sẽ đổ dồn về các thị trường lớn khác như: Mỹ, EU, Nhật Bản… tạo nên sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là về giá sẽ là bất lợi cho con tôm Việt Nam”.

Dẫu biết rằng đầu năm nói chuyện khó khăn là không vui, không “tết” chút nào, nhưng thiết nghĩ đó là điều cần thiết, để tất cả các bên trong chuỗi giá trị hàng nông, thủy sản có sự chuẩn bị một cách chủ động hơn nhằm hạn chế thiệt hại cho riêng mình và xa hơn là cho cả ngành hàng. Hy vọng trong khó sẽ có thêm nhiều cách làm hay, sáng tạo để ngành nông nghiệp tiếp tục có được những thành công, giữ vững vai trò trụ cột, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020.

Theo Báo Sóc Trăng