Nữ tướng Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng của lòng dân

11/09/2023 - 09:21

Năm 2023 là kỷ niệm 55 năm Ngày Bến Tre được Bộ Chỉ huy Miền trao tặng cờ danh dự thêu 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Danh hiệu cao quý ấy đã ghi nhận, tôn vinh những chiến công và tinh thần chiến đấu của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Góp sức vào công cuộc ấy, không thể không nhắc đến Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ tướng là tấm gương sáng mãi được nhắc nhớ cho các thế hệ.

A A

Du khách đến tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày của Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, Giồng Trôm). Ảnh: Ánh Nguyệt

Những đóng góp của Nữ tướng Nguyễn Thị Định

Cô Ba Định là tên gọi thân thương, trìu mến mà người dân mỗi khi nói về Nữ tướng Nguyễn Thị Định - người con của xã Lương Hòa (Giồng Trôm). Theo tài liệu “Bến Tre Đất và Người” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bến Tre ấn hành, cô Ba Định xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, cô Ba đã có nhiều đóng góp quan trọng mang đậm dấu ấn lịch sử.

Trong đó phải kể đến sự kiện tháng 4-1946, cô được cử tham gia đoàn vượt biển bằng thuyền từ quận Thạnh Phú (nay là huyện Thạnh Phú, Bến Tre) ra miền Bắc để báo cáo với Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ, đồng thời, xin chi viện vũ khí đánh Pháp và sau đó làm Trưởng đoàn vận chuyển 12 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam an toàn. Chuyến vượt biển lịch sử từ Nam ra Bắc đầu tiên này đã mở ra con đường huyền thoại: “Đường Hồ Chí Minh trên biển” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.

Một dấu ấn quan trọng nữa của cô trong cuộc Đồng khởi Bến Tre là thời điểm cuối năm 1959, với cương vị là Phó bí thư Tỉnh ủy, cô Ba Định được cử đi tiếp thu Nghị quyết số 15 và về Bến Tre đầu năm 1960, cô trực tiếp truyền đạt lại cho Tỉnh ủy. Cô Ba Định cũng là người trực tiếp chỉ đạo cuộc “Đồng khởi” đợt 1, nổ ra ngày 17-1-1960. Cũng từ đây, “Đội quân tóc dài” huyền thoại ra đời và phương châm tiến công địch bằng “ba mũi giáp công”: chính trị kết hợp với vũ trang và binh vận, cách đánh địch sáng tạo tuyệt vời của chiến tranh nhân dân, đã nhanh chóng lan ra toàn miền Nam, làm thất bại hết chiến lược này đến chiến lược khác của Mỹ - ngụy, đưa chúng đến sụp đổ hoàn toàn ngày 30-4-1975.

Trải qua nhiều vị trí, năm 1965, cô được giao nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; tháng 4-1974, được phong quân hàm Thiếu tướng. Mùa xuân năm 1975, trong 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn có Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng.

Sau ngày giải phóng, cô tiếp tục đóng góp xây dựng và phát triển nước nhà qua nhiều vị trí quan trọng như: Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1980), Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ tháng 6-1987 đến tháng 3-1992). Ngoài ra, cô còn đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba. Cô Ba Định được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Cô Ba Định là vị nữ tướng anh hùng đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi “Phó tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc”.

Cô Ba Định mất ngày 26-8-1992 (dương lịch) và được an táng tại Nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh. Để tưởng nhớ công lao của cô, ngày 28-7 âm lịch hàng năm, địa phương đã trang trọng tổ chức lễ giỗ tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, Giồng Trôm).

Thêm một công trình lưu niệm

Năm 2023, tròn 31 năm (1992 - 2023) ngày mất Nữ tướng Nguyễn Thị Định, cũng là dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Làng Moncada (1984 - 2023), vào ngày 6-9-2023, UBND tỉnh tổ chức khánh thành Nhà lưu niệm Làng Moncada tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm.

Tại buổi khánh thành Nhà lưu niệm Làng Moncada, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: Ngày 9-1-1984, nhân kỷ niệm 24 năm ngày Đồng khởi Bến Tre, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chọn xã Lương Hòa (Giồng Trôm) quê hương của Nữ tướng Nguyễn Thị Định là nơi “kết nghĩa” với Cuba đặt tên là “Làng Moncada”... Từ khi xã Lương Hòa lấy tên “Làng Moncada”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây càng tự hào hơn về mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Truyền thống tốt đẹp này luôn được nhân dân Làng Moncada gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau.

Nhà lưu niệm Làng Moncada có tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Giồng Trôm đóng góp 2 ngày lương với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Nhà lưu niệm được xây dựng với tổng diện tích sàn là 290m2. Tiếp đó, để công trình Nhà lưu niệm làng Moncada được phát huy tác dụng, đến tháng 4-2023, huyện tiếp tục có chủ trương cải tạo đất, trồng cây xanh trong khuôn viên nhà lưu niệm và sưu tầm tư liệu trưng bày với tổng kinh phí 500 triệu đồng từ ngân sách nhà nước.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung, công trình Nhà lưu niệm làng Moncada được đầu tư xây dựng nhằm lưu giữ, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về mối quan hệ nghĩa tình của hai nước Việt Nam - Cuba nói chung và làng Monada với làng Bến Tre nói riêng.

Tại nhà riêng hộ bà Dương Thị Chẫn (là cô ruột của ông Dương Quốc Chiến), ngụ xã Lương Hòa (Giồng Trôm), hộ bà Chẫn hân hạnh là một trong 2 hộ dân được đoàn đại biểu Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa Cuba tại TP.Hồ Chí Minh đến thăm. Tại đây, bà Ariadne Feo Labrada - Tổng Lãnh sự Cuba tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi đến được nơi ghi dấu mối quan hệ hai nước Việt Nam - Cuba. Trên đường vào làng, tôi thấy rất nhiều cờ Cuba, ngôi trường mang tên Moncada; vào nhà ông Dương Quốc Chiến, tôi thấy hình ảnh Nữ tướng Nguyễn Thị Định, đó là người mà chúng tôi không bao giờ quên được...”.

Theo ông Dương Quốc Chiến, bà Dương Thị Chẫn (đã qua đời) từng là giao liên của bà Nguyễn Thị Định. Bà Chẫn ở tù 16 năm, bà không chồng con, đến sau này, ông Chiến (cháu của bà Chẫn) về ở với bà như con. “Lá cờ Cuba được cô tôi là Dương Thị Chẫn giữ gìn suốt 40 năm qua, kể từ ngày làm lễ thành lập Làng Moncada tại xã Lương Hòa. Lá cờ được cô tôi giữ như báu vật và đó cũng là minh chứng cho tình anh em giữa Việt Nam và Cuba”, ông Chiến nói.

“Cô Ba Nguyễn Thị Định là một trong những phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, người lãnh đạo có uy tín, là một vị nữ tướng tài năng được nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cùng đông đảo bạn bè và nhân dân thế giới tin yêu, kính trọng. Cô đã gắn chặt cuộc đời hoạt động của mình với dân, với nước; với lối sống chân chất, mộc mạc, giản dị, nhân ái, dân chủ, bình đẳng trong cuộc sống đời thường và trong lúc thi hành công vụ. Trước sau như một, nữ tướng vẫn thủy chung với bạn bè, với đồng chí, đồng đội, luôn nhớ ơn những người đã cưu mang mình từ những ngày gian khổ nhất” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười

Theo A.NGUYỆT - TH.THẢO (Báo Đồng Khởi)