Chọn hướng đi riêng
Anh Tùng cho biết, sau thời gian gắn bó với con cá basa, nhận thấy việc thả nuôi loại thủy sản này ngày càng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật chăn nuôi cao, trong khi thị trường biến động liên tục… nên anh quyết định tìm vật nuôi mới để thay thế cá basa. Được sự giới thiệu của bạn bè, người thân về giá trị kinh tế của cá lăng nha, anh Tùng tiến hành nuôi thí điểm. Sau hơn 1 năm nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, anh Tùng thu được trên 1 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí, anh còn lãi trên 100 triệu đồng. Nhận thấy đây là mô hình mới mang lại lợi nhuận cao, có đầu ra tương đối ổn định nên anh mạnh dạn mở rộng diện tích thả nuôi.
Theo anh Tùng, cá lăng nha là loại cá dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, không đòi hỏi kỹ thuật nuôi cao nên ai cũng có thể thực hiện được. Thức ăn chủ yếu của cá lăng nha là thức ăn công nghiệp (khi cá còn nhỏ) và các loại cá sông, cá biển nên nguồn thức ăn này rất dễ tìm. Trong quá trình nuôi, cần chú ý giai đoạn cá còn nhỏ, vì thời điểm này, cá rất dễ bị chết, thiệt hại có thể lên đến 50-60% nếu cá không được quản lý tốt. “Mặc dù thiệt hại nhiều, nhưng bù lại giá cá luôn ở mức cao và ổn định nên người nuôi đảm bảo có lợi nhuận” - anh Tùng chia sẻ.
Đặc biệt, cá được nuôi trong lồng bè gần giống với điều kiện tự nhiên nên công tác chăm sóc, quản lý tốt hơn; tốc độ tăng trưởng lớn nhanh hơn; chất lượng thịt cá bè thơm ngon, săn chắc, nên được thị trường đón nhận. Anh Tùng cho biết, mặc dù nuôi cá lăng nha có thời gian thu hoạch lâu hơn các loài cá khác, trung bình từ 12-18 tháng, nhưng lợi nhuận thu được cao hơn gấp nhiều lần; rủi ro mang lại khá thấp do có đầu ra ổn định trên thị trường. “Hơn 1 năm thả nuôi, cá sẽ đạt trọng lượng từ 0,8-1,6kg/con, bán với giá 80.000-90.000 đồng/kg. Cá nuôi càng lâu, trọng lượng càng lớn, nhiều con đạt trọng lượng trên dưới 10kg. Thị trường cá lăng nha chủ yếu được tiêu thụ ở Campuchia và một số ít ở TP. Hồ Chí Minh” - anh Tùng cho biết.
Cá lăng nha có hiệu qua kinh tế cao hơn so với nhiều loại cá nước ngọt khác
Nhân rộng mô hình
Sau hơn 5 năm thực hiện mô hình nuôi cá lăng nha trên lồng bè, anh Tùng đánh giá, đây là mô hình mang lại lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại vật nuôi khác. Đặc biệt, loại cá này thịt ngon, chắc, là loại cá đặc sản được thị trường ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn các loại cá thông thường nên đầu ra khá ổn định.
Hiện nay, gia đình anh Tùng có 5 lồng bè nuôi cá thương phẩm và 5 lồng bè nuôi cá con (mỗi lồng bè sâu 4,5m). Mỗi năm, gia đình anh Tùng thu hoạch khoảng 100 tấn cá. Với giá bán hiện nay, gia đình anh Tùng thu lợi nhuận khoảng 20.000 đồng/kg. “Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình; đồng thời nghiên cứu sản xuất con giống để cung cấp cho các hộ dân khi có nhu cầu chăn nuôi” - anh Tùng chia sẻ. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Văn Tùng còn tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình xã hội tại địa phương, với mức đóng góp khoảng 50 triệu đồng/năm.
Đánh giá về hiệu quả mô hình nuôi cá lăng nha, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hiệp Lê Văn Kịch cho biết, mô hình nuôi cá lăng nha của anh Nguyễn Văn Tùng là một trong những mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng tính hiệu quả của mô hình cho các hộ nông dân khác có điều kiện học tập nhằm phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, hướng đến thành lập tổ hợp tác để bà con được hỗ trợ vay vốn, phát triển mô hình.
Với lợi thế nguồn nước của sông Tiền chảy qua, xã Mỹ Hiệp có tiềm năng để phát triển các mô hình chăn nuôi thủy sản trong lồng bè, trong đó có mô hình nuôi cá lăng nha. Đây là hướng đi mới, giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
ĐỨC TOÀN