Nhờ chịu khó học hỏi, tìm hiểu những mô hình làm ăn mới, hiệu quả, cách đây gần 1 năm, anh Phóng đã biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen thông qua internet. Từ đó, anh nghiên cứu áp dụng thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi ruồi lính đen. Trong quá trình nuôi, ngoài học hỏi trên internet, anh Phóng còn học hỏi thực tế mô hình của người quen để tích lũy kinh nghiệm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phóng cho biết: “Trước đây, tôi đi thả vịt chạy đồng nhưng vất vả mà lời cũng không được bao nhiêu. Sau này, khi tìm hiểu khá kỹ về mô hình này thì thấy ruồi lính đen có rất nhiều lợi ích đối với môi trường lại là thức ăn tốt trong chăn nuôi nên về làm theo. Lúc mới thực hiện, tôi chỉ dám mua 50 gram ruồi giống, hết 650.000 đồng về nuôi thử nghiệm. Qua quá trình nuôi, thấy kỹ thuật nuôi ruồi lính đen cũng đơn giản, mang lại nhiều lợi ích, không chỉ góp phần cải thiện kinh tế gia đình mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường”.
Nhộng của ruồi lính đen được anh Nguyễn Văn Phóng, ở ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng (Mỹ Tú) sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gà, có giá trị dinh dưỡng cao.
Để phát triển mô hình, khu chuồng vịt cũ được anh Phóng tận dụng nuôi ruồi lính đen và nuôi gà nên giảm chi phí. Với diện tích rộng, anh Phóng thiết kế chuồng nuôi tương đối thoáng mát nhưng vẫn đảm bảo độ ẩm để ruồi lính đen sinh trưởng và phát triển tốt. Chuồng được anh Phóng chia ra nhiều ô riêng để ấp trứng ruồi, nuôi ấu trùng và nhộng. Còn đối với ruồi trưởng thành anh nuôi riêng ra một góc vườn được quây kín bằng lưới để ruồi đẻ trứng.
Theo anh Phóng, thức ăn của ruồi lính đen rất đa dạng, có thể tận dụng các loại phế phẩm trong nông nghiệp, như: xác đậu nành, cám gạo, các loại trái cây hư… Tuy nguồn thức ăn đơn giản, dễ kiếm nhưng lúc nào cũng phải đảm bảo để nuôi đạt hiệu quả. Vòng đời của ruồi lính đen từ 40 đến 45 ngày. Theo đó, ruồi lính đen trưởng thành có kích thước khoảng từ 10mm đến 15mm, chúng chọn chỗ ẩm ướt để đẻ trứng sau đó trứng ruồi trở thành ấu trùng, phát triển thành nhộng rồi lột xác thành ruồi. Trong đó, ấu trùng của ruồi lính đen ăn tất cả các chất thải hữu cơ một cách nhanh chóng trước khi các hợp chất hữu cơ có thời gian phân hủy và tạo ra mùi hôi, do đó, loại bỏ được mùi hôi của rác. Do chất đạm 45% nên nhộng của ruồi lính đen được thị trường sử dụng làm thức ăn rất giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Hiện ở địa phương, trứng của ruồi lính đen có giá bán khoảng 13 triệu đồng/kg nhưng anh Phóng không bán mà để phát triển mở rộng mô hình.
Tận dụng không gian vườn rộng và được hỗ trợ của Huyện đoàn Mỹ Tú, hiện anh nuôi hơn 540 con gà thả vườn để nâng cao thu nhập. Theo tính toán của anh Phóng, nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gà có thể giúp gia đình anh tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với sử dụng cám công nghiệp. Anh Phóng cân đối các bữa ăn cho gà hợp lý với 3 cữ, sáng cho ăn thức ăn trộn chung với lúa, trưa cho gà ăn ruồi lính đen và tối ăn lúa để tránh cho gà ăn dư lượng đạm. Nhộng của ruồi lính đen luôn đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho gà nên đàn gà rất mau lớn.
Với hiệu quả kinh tế mang lại nên mô hình nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi ruồi lính đen của anh Phóng là một mô hình tiêu biểu được chính quyền địa phương thường xuyên đến tham quan, khuyến khích và nhiều bà con đến học hỏi kinh nghiệm. Hy vọng, mô hình sẽ ngày càng phát triển bền vững, góp phần làm giàu cho gia đình, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người.
Theo K.THOA (Báo Sóc Trăng)